Chia sẻ

Tre Làng

Thủ tướng Hungary chỉ trích Ukraine, nói bị EU “lừa dối”

Thủ tướng Orban cũng cho rằng kế hoạch của EU nhằm giải phóng châu u hoàn toàn khỏi năng lượng Nga đã đi ngược lại lợi ích của châu lục này và của Hungary.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, trong bài phát biểu trước Quốc hội Hungary trong phiên họp mùa thu hôm 25/9, tuyên bố quốc gia Trung Âu – vừa là thành viên EU vừa là thành viên NATO – sẽ không hỗ trợ Ukraine trong bất kỳ vấn đề quốc tế nào cho đến khi quyền ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số Hungary ở đó được khôi phục.

Ông Orban cũng cho biết Hungary không vội phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO – một dấu hiệu cho thấy quốc gia Bắc Âu này có thể phải đối mặt với sự chậm trễ hơn nữa trong quá trình trở thành thành viên của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.

Tại Quốc hội Hungary, ngày đầu tiên của phiên họp mùa thu theo truyền thống được đánh dấu bằng bài phát biểu trước chương trình nghị sự của Thủ tướng Orban. Bài phát biểu này không chỉ đề cập đến các sự kiện và quyết định của chính phủ diễn ra giữa các phiên họp mà còn được kỳ vọng sẽ làm sáng tỏ các kế hoạch và tầm nhìn dài hạn của người đứng đầu chính phủ ở Budapest.

Bị “lừa dối”

Phát biểu trong phiên khai mạc mùa thu của Quốc hội Hungary, Thủ tướng Orban đã chỉ trích chính phủ Ukraine dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói rằng Hungary sẽ “không ủng hộ Ukraine trong bất kỳ vấn đề quốc tế nào” cho đến khi quyền ngôn ngữ của một nhóm thiểu số Hungary đáng kể ở miền Tây Ukraine được khôi phục.

Hungary có những bất đồng với Ukraine về những gì họ cho là hạn chế quyền của khoảng 150.000 người dân tộc Hungary sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ, đặc biệt là trong giáo dục, sau khi Kiev thông qua luật vào năm 2017 hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ thiểu số trong trường học.

Thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc Orban nói trong bài phát biểu của mình: “Họ muốn chuyển (các trường học của Hungary) thành các trường học của Ukraine và nếu điều đó không hiệu quả thì họ muốn đóng cửa”.

Bình luận của ông Orban được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào đầu tháng này đã đưa ra tầm nhìn về một EU mở rộng sẽ bao gồm Ukraine. Các nước EU sẽ quyết định vào tháng 12 về việc có cho phép Ukraine bắt đầu đàm phán gia nhập hay không – một động thái đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí của tất cả 27 quốc gia trong khối.

Ông Orban cũng cho biết Hungary đã bị “lừa dối” bởi kế hoạch của EU về cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh qua Hungary sau khi tuyến hàng hải qua Biển Đen bị cản trở bởi xung đột quân sự với Nga, và nông sản Ukraine – vốn phải được vận chuyển đến châu Phi – có vẻ như đã được bán ở thị trường Hungary với giá thấp hơn, gây áp lực lên các nhà sản xuất trong nước.

EU tuyên bố rằng nếu không có ngũ cốc Ukraine, nạn đói nghiêm trọng sẽ đe dọa các nước châu Phi. Ông Orban nói. “Sau khi việc vận chuyển qua Biển Đen không thể thực hiện được do chiến tranh, Hungary đã mở một hành lang vận chuyển đoàn kết theo yêu cầu của Brussels để thực phẩm có thể đến châu Phi từ Ukraine qua lãnh thổ Hungary. Hãy nói thẳng: Họ đã lừa dối chúng ta”.

Ông Orban cho biết ngũ cốc Ukraine giá rẻ hơn đã tràn ngập thị trường Hungary, tạo ra tình trạng dư cung gây tổn hại cho ngành nông nghiệp của nước này. Cùng với Slovakia và Ba Lan, Hungary đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với 23 sản phẩm nông nghiệp của Ukraine từ ngày 15/9, nhưng sẽ tiếp tục cho phép vận chuyển các mặt hàng đó qua lãnh thổ của mình.

Ngoài ra, ông Orban cho rằng kế hoạch của Brussels nhằm giải phóng châu Âu hoàn toàn khỏi năng lượng Nga đã đi ngược lại lợi ích của châu lục này và của Hungary. Hungary phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung dầu và khí đốt của Moscow, nhưng ông Orban cho biết chính phủ của ông đã thực hiện các bước để đa dạng hóa nguồn cung, viện dẫn các cuộc đàm phán gần đây với Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan về các chuyến hàng khí đốt trong tương lai.

“Không vội”

Hôm 25/9 Thủ tướng Orban cũng nói với các nhà lập pháp Hungary rằng “không có gì đe dọa đến an ninh của Thụy Điển”, và do đó Hungary “không vội” phê chuẩn việc Stockholm gia nhập NATO.

Tuyên bố của ông Orban được đưa ra sau khi các quan chức cấp cao khác của Hungary gần đây cho rằng việc phê chuẩn cho Thụy Điển có thể không được đưa vào chương trình nghị sự của quốc hội trong phiên họp mùa thu. Hôm 21/9, lãnh đạo cuộc họp kín của Đảng Fidesz cầm quyền, Mate Kocsis, cho biết ông thấy “rất ít cơ hội” rằng quốc hội sẽ bỏ phiếu về vấn đề này trong năm nay.

Hungary vẫn là quốc gia thành viên NATO duy nhất, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, chưa chấp thuận đề nghị gia nhập liên minh của Thụy Điển. Quốc gia Bắc Âu này cùng với nước láng giềng Phần Lan đã từ bỏ quy chế trung lập quân sự lâu đời sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, và nhanh chóng thể hiện ý định gia nhập NATO.

Tuy nhiên, Hungary đã trì hoãn phê chuẩn việc kết nạp Thụy Điển kể từ tháng 7/2022, đồng thời đưa ra những yêu cầu mơ hồ đối với Stockholm để làm điều kiện phê duyệt. Chính phủ của ông Orban đã cáo buộc rằng các chính trị gia Thụy Điển đã nói “những lời nói dối trắng trợn” về tình trạng nền dân chủ Hungary, và theo ông, điều này khiến một số nhà lập pháp không chắc chắn về việc có nên ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu hay không.

Đảng Fidesz của ông Orban trước đó đã gây ra nhiều sự chậm trễ trong việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, nhưng đã nhanh chóng thông qua biện pháp này vào tháng 3 năm nay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết rằng Ankara sẽ tiếp tục quá trình phê chuẩn. Đầu tháng 4, Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO, còn Thụy Điển vẫn đang “chờ ngoài cửa”.

Minh Đức (Theo AP, Reuters)

2 nhận xét:

  1. Nghe lời EU mở hành lang cho lương thực của UK qua châu phi ai dè lại để chúng du nhập vào thị trường Hung với giá rẻ mặt, phá hoại luôn nền kinh tế nông nghiệp của Hungary, nói bị EU lừa thì cũng không phải là điêu lắm đâu, đúng là tư bản, ngoài mặt liên kết bên trong xâu xé quyền lợi của nhau

    Trả lờiXóa
  2. Hungary có những bất đồng với Ukraine về những gì họ cho là hạn chế quyền của khoảng 150.000 người dân tộc Hungary sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ, đặc biệt là trong giáo dục, sau khi Kiev thông qua luật vào năm 2017 hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ thiểu số trong trường học.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog