Chia sẻ

Tre Làng

Tản mạn về Rock

Tôi nghe Rock khá nhiều. Thật ra cũng chẳng biết thế nào gọi là nhiều, nhưng đương nhiên là nghe không chỉ một lần, không chỉ một ban nhạc hay mọt ca sỹ riêng lẻ nào đó. Thoạt tiên, chẳng ai hướng dẫn cả, cứ nghe và nghe, thấy chối tai thì chuyển sang nghe...chèo. Cái trò nghe nhạc, đặc biệt là Rock, đầu tiên cứ là phải quen tai đã. Cứ nghe mãi, rồi một hôm chợt cảm thấy sao giai điệu này hay tệ, hay hơn thằng Pop mình vừa nghe xong. Lại có hôm tình cờ nghe được lõm bõm hai ba câu trong mớ rú rít lên đồng của ca khúc, rồi thấy nó phải như thế, cái hoà âm ấy, nó phải dữ dội và mãnh liệt như thế mới phê, mới đúng theo nội dung mà ca từ diễn tả.

Cho đến bây giờ, thành thực mà nói thì tôi vẫn không phải là tín đồ của đạo Rock. Đến lúc yêu được nó, mê được nó thì mình già cụ nó mất rồi. Nghe Rock mà vặn volume bé như tiếng chuột chí, thà ôm cả dàn máy vứt xuống cống rồi đi uống bia còn hơn. Nhưng con tim của mình lại khác. Nó sinh ra sau, thế mà lại chóng già và chóng trơ lì hơn Rock rất nhiều. Okay, nó vẫn mỉm cười ôm Rock Ballad vào lòng, thế nhưng cỡ Metallica là nó cũng đã đập thình thịch, đẩy máu lên não và làm mặt mũi nóng bừng như sắp sửa cởi quần áo trong khoảnh khắc tắt đèn đêm tân hôn. Là cứ nói thế, chứ lỡ đang chầm chậm ngang qua dưới cửa sổ nhà em, bất chợt nghe vẳng tiếng Kurt Cobain than vãn trong ca khúc Polly, e là chẳng nỡ bước tiếp. Không phải vì thích nghe đến mê mải như ngày xưa, nhưng nó nhắc mình nhớ lại một thời quá vãng.

Tôi đã nghe, không lần lượt theo trình tự thời gian, nhưng rồi cũng đủ các thể loại Rock, cho dù không phải thể loại nào mình cũng yêu thích. Từ Rock’n’Roll, Hard cổ xưa, Punk, Acid, Blue, Folk, Power tới Grunge hay Alternative... Phải nói ban nhạc tôi yêu thích nhất vẫn luôn luôn là The Beatles, dẫu vị trí đứng của nó trong tim những kẻ mê Rock không được cao cho lắm. Ca khúc của The Beatles có một đặc điểm kỳ lạ, cảm tưởng như nó không bao giờ cũ, mỗi lần nghe là một lần đôi tai được refresh. Tất nhiên, nếu chọn bài đơn lẻ để mà nghe mê mải thì tôi vẫn có thể kể ra vô vàn bài khác không phải của The Beatles. Chẳng hạn như November Rain của Gun’n’Rose,Paranoid của Black Sabbath, Stairway to Heaven của Led Zeppelin, Highway to Hell của AC/DC hay Smoke on the Water của Deep Purple... Chúng khá cổ điển, song khá trường tồn bất chấp mọi tìm tòi sáng tạo của các trào lưu nhạc mới.

Thế nhưng, có một ban nhạc tác động vào tôi ghê gớm nhất, ở một khoảng thời gian khi tôi vừa kịp lớn, kịp hiểu lờ mờ về mọi thứ mà người lớn quan tâm. Ngày đó, không riêng tôi mà cả lũ sinh viên, đặc biệt là sinh viên Xây dựng và Kiến trúc đều rồ lên vì ban nhạc này. Thứ nhạc ảo giác (Space Rock), nghe cực phiêu, cực xa vắng và cực phê. Chúng quấn quýt quanh ta, xoắn vào từng thớ thịt, mạch máu, chợt xa chợt gần một cách ma quái. Hồi đó, mới chỉ nghe qua băng cassette, được thu thô sơ từ đĩa gốc tại cửa hàng 49 Digital Quang Trung (Hà Nội) mà đã mang lại hiệu ứng nghe rất lớn, chứ giá mà lũ trẻ chúng tôi được xem nguyên băng video gốc của Album The Wall, chắc là đời sống tinh thần hồi đó còn có bước biến chuyển đáng kể hơn rất nhiều. Ban Pink Floyd quả là đỉnh. Dường như cho đến giờ thìThe Wall, Dark Side Of The Moon, Wish You Were Here, Animals... cũng vẫn cứ đỉnh. Sự phá cách của Pink, với đầu đàn là Roger Waters và David Gilmour là một sáng tạo, đánh dấu cho cả một thời kỳ mới, không chỉ trong âm nhạc mà thời sự chính trị nói chung, đánh dấu sự ra đời chính thức hoành tráng của một thể loại Rock hoàn toàn mới, thứ Rock ảo giác mà sau này ta còn được nghe từ Dire Straits, Enigma và vài ban nhạc nổi tiếng khác nữa. Rock ảo giác tạo ra được một không gian lồng lộng đủ để âm nhạc trôi nổi, hoà quyện và gắn kết ở những vùng cố định của ngưỡng nghe được, tạo ra hiệu ứng không thể nào quên.

Mới đấy thôi, thấm thoắt mà đã bao năm trôi qua mất rồi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog