Chia sẻ

Tre Làng

VĂN HÓA LÒNG LỢN

Lâm Trực- Vô tình em đọc được bài viết này của một anh ở Đinh Nạm. Thấy anh ấy bơm đặc sản ở quê anh ấy ghê quá. Nói chung văn phong tốt, ảnh và bài k có gì phải bàn dưng anh ấy chốt lại một câu cuối lại muốn cười. " Nghĩ về thế giới, nghĩ về nhân loại, chợt thấy thương những người không có quê Hải Hậu, họ hiểu gì về lòng lợn nhỉ? " 

Lòng lợn Hải Hậu 

Lòng lợn. (ảnh mạng) 

Phải nói thật là bình thường mình ít khi nghĩ đến món lòng lợn - tiết canh (tên khoa học là Lolotica), có thể nói là rất dửng dưng. Ấy nhưng khi về đến Hải Hậu thì nỗi niềm lòng lợn lại dâng lên mãnh liệt, giống như anh bộ đội xa nhà lâu ngày gặp lại người yêu,... rất chi là rộn ràng, rộn ràng từng tế bào trên cơ thể.

Hoạt động lòng lợn (người Hải Hậu gọi là nòng nợn) thường diễn ra vào buổi sáng và nó đặc biệt sôi động trong những ngày nghỉ cuối tuần. Ở Yên Định và khu vực trung tâm huyện có rất nhiều quán lòng lợn, trong số đó có 2 quán được giới longloner đánh giá cao, là một ở gần cầu Hàng Vàng và một ở gần sân vận động (đầu đường đi về phía nhà anhHùng Kiền). Ngoài ra còn phải kể thêm một quán nhỏ ở trong ngõ nhỏ phía sau bách hóa tổng hợp Yên Định cũ, tuy nhiên quán này có vẻ hơi kén khách, muốn ăn cần phải có thư tay của anh Quang Trung.

Ở quán gần cầu Hàng Vàng (bác nào điền giúp em cái tên) ngoài Lolotica thông thường ra còn có thêm một món rất đặc sắc, đó là tiết canh chín. Đây là tiết canh được làm chín bằng hấp cách thủy (hoặc có thể bằng lò vi sóng) nhưng ăn vẫn có vị như tiết canh thật. Món này phù hợp với các bạn nữ khi cần thể hiện sự "mỏng manh dễ vỡ" trước đối tác.

Nhưng lòng lợn ngon nhất vẫn là lòng lợn ăn ở nhà, bởi nó không chỉ được đặt trong một không gian thật quê mà còn tránh được những phiền toái từ sự chém gió ồn ào của các bác bàn bên cạnh.

Lá húng. (ảnh mạng) 

Buổi sáng thức dậy, bước ra sân, vươn vai hít căng một lồng ngực đầy không khí trong lành mát lạnh đã được ướp hương hoa cau trong đêm, bên tai tiếng chim hót véo von hòa lẫn tiếng dao băm nhân tiết canh lếch kếch trong bếp. Trong cơn khoan khoái miên man lòng chợt dâng lên một nỗi trăn trở nho nhỏ, là Chúa còn xây dựng thêm thiên đàng làm gì nữa nhỉ? Rõ ràng sự lãng phí trong đầu tư không phải chỉ là vấn đề của riêng hạ giới.

Góp phần không nhỏ vào sự thành công của lòng lợn Hải Hậu phải kể đến lá húng Hải Hậu. Húng Hải Hậu có 2 loại, là húng xoăn và húng quế. Nếu như so với húng Láng được người Hà Nội ca tụng thì húng Hải Hậu luôn có phần trội hơn (sau khi đã trừ hao yếu tố thiên vị). Nếu bạn đưa một ngọn húng Hải Hậu cho một người Hà Nội sành ăn, chắc chắn họ sẽ nói như đinh đóng cột rằng đó là húng Láng. Người Hà Nội luôn tự tin, quả quyết và dễ thương như thế.

Ngoài húng ra còn có thêm lá mùi gai hái ở gốc bòng, lá ngổ hái ở bờ ao,... tất cả được rửa sạch bằng nước giếng khoan UNICEF và chờ sẵn bên mâm lòng lợn.

Chanh. (ảnh mạng) 

Người Hải Hậu không chấm lòng lợn với mắm tôm, mà bằng nước mắm của Hải Hậu. Nước mắm Hải Thịnh mặn và nặng mùi hơi Chin Su Phụt, tuy nhiên khi được chế biến và đặt trong khung cảnh của Hải Hậu thì Chin Su Phụt không thể thay thế được. Một chút hạt tiêu bắc, một ít hành khô thái lát dọc rồi sau đó vắt chanh Hải Hậu vào (lưu ý là chỉ chanh Hải Hậu, các loại chanh của vùng lân cận như Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh đều không đạt yêu cầu).

Trong lúc ta vắt chanh vào nước mắm thì cũng là lúc một làn khói nhẹ từ đĩa lòng sốt bốc lên, đi qua lỗ mũi tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương, đánh thức mạng nơ ron thường vụ chỉ đạo cả hệ thống cơ thể vào cuộc giao hoan mang tên Lòng Lợn.

Khi miếng lòng đầu tiên được chấm với nước mắm rồi đưa lên miệng, nước mắt ta bỗng trào ra, lòng ngậm ngùi như muốn thốt lên: Chúa ơi! Con muốn ở mãi dưới này.

Cuốc lủi 21. (ảnh mạng) 

À còn uống. Uống gì nhỉ? Phối kết hợp với lòng lợn không thể là gì khác ngoài cuốc lủi 21 (21 ngày, không phải 21 năm). Có thể nói giữa lòng lợn và cuốc lủi giống như là một "cuộc hôn nhân thần thánh". Lúc này bên cạnh cuốc lủi thì các loại rượu của anh Trọng Nghĩa đều trở nên vô cùng mờ nhạt.

Một điều quan trọng đối với cuốc lủi là không nên ngâm với bất cứ thứ gì và dứt khoát phải được nút bằng lá chuối. Đã có một thời gian dài mình không mặn mà lắm với cuốc lủi, về sau tìm hiểu nguyên nhân hóa ra là do không được nút bằng lá chuối. Thực sự thì lá chuối chính là một phần của cuốc lủi, lá chuối với cuốc lủi quan trọng như gỗ sồi với rượu vang của các bạn bên Tây vậy.

Các cụ nói ăn gì bổ nấy. Ăn mắt sáng mắt, ăn lưỡi hát hay, ăn cà pháo bổ cà chua...v.v. Tương tự như thế, ăn lòng sẽ giúp chúng ta bồi bổ tấm lòng (tất nhiên là lòng người chứ không phải lòng lợn). Có tấm lòng tốt không chỉ để cho gió cuốn đi mà còn để trở thành "sức mạnh của sự tử tế". Người có tấm lòng tốt là người có bụng to, bụng càng to thì càng tốt bụng (giống như cụ Bụt hay cụ Di Lặc). 

Khi miếng lòng lợn cuối cùng chia tay với cái đĩa đựng nó thì cũng là lúc hiệu ứng tấm lòng xuất hiện. Ta bỗng trở nên đa cảm hơn. Nghĩ về thế giới, nghĩ về nhân loại, chợt thấy thương những người không có quê Hải Hậu, họ nghĩ hiểu gì về lòng lợn nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog