Chia sẻ

Tre Làng

MỐI TÌNH "CƠM CHÁY"

Bi hài thời bao cấp: Mối tình "cơm cháy"

Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, chửa hoang là chuyện “động trời”. Thế nên việc chị Mên làm ở bếp ăn tập thể, chưa chồng mà có chửa, đã gây chấn động cả Xí nghiệp Cung ứng Vật tư (thuộc Tổng Cty Xây dựng Thuỷ điện Hoà Bình trên Sông Đà), chẳng khác gì sóng thần vậy.

Cả xí nghiệp quay long lóc xung quanh cái bụng bầu của chị. Tổ nhà bếp họp kiểm điểm, công đoàn nhà bếp họp kiểm điểm, chi đoàn thanh niên nhà bếp họp kiểm điểm. Tiếp theo, phòng hành chính (tổ nấu ăn thuộc phòng hành chính), công đoàn, đoàn thanh niên phòng hành chính họp kiểm điểm.

Rồi những cuộc họp kiểm điểm cứ lên các cấp cao, cao hơn nữa. Những cuộc họp đều có nội dung giống hệt nhau: Sau khi tuyên bố khai mạc, người chủ trì bắt chị Mên đứng lên đọc bản tự kiểm điểm. Tiếp theo là phần mọi người góp ý kiến. Những ý kiến cũng giống hệt nhau: Thiếu tu dưỡng rèn luyện, sa sút về phẩm chất đạo đức, sa đoạ, học đòi lối sống của bọn tư sản, không xứng đáng với người chồng liệt sỹ...

Cuộc đời chị Mên khá long đong. Hai mươi mốt tuổi, chị lấy anh Hào, cưới nhau được đúng hai đêm một ngày thì anh nhập ngũ, không kịp để lại cho chị một giọt máu nào của mình, để rồi 4 năm sau chị nhận được giấy báo tử của anh. Ba năm sau ngày anh hy sinh, chị xin phép hai bên bố mẹ cho đi công nhân công trường xây dựng thuỷ điện, được phân vào tổ nấu ăn.

Chị Mên dong dỏng cao, người lẳn như một con cá trắm, nước da bánh mật, mắt lá răm, người rừng rực sức sống. Lên công trường 4 năm nhưng chị vẫn chưa có được một mảnh tình vắt vai, bởi dưới mắt mọi người, chị là vợ liệt sỹ.

Mà cái tội “léng phéng” với vợ liệt sỹ, hồi ấy, chẳng nói thì ai cũng hiểu, nó ghê gớm đến mức nào. Khi “chửa hoang”, chị 32 tuổi. Trước những con suối những lời nhục mạ trong các cuộc họp ấy, chị Mên chỉ khóc, nhất định không nói tác giả cái thai trong bụng mình là ai.

Triển lãm tư liệu về thời bao cấp tại Bảo tàng Dân tộc học (ảnh: Trần Anh)
Nhưng rồi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Tác giả của cái thai đó, hoá ra lại là Dương, một chàng trai mới chỉ hai mươi tròn. Sự kiện này lại còn gây chấn động hơn cả việc chị Mên chửa hoang. Họp, lại liên miên những cuộc họp kiểm điểm.

Chỉ có khác là nếu chị Mên gan lỳ, kín đáo bao nhiêu thì Dương lại “thành khẩn” bấy nhiêu. Hắn khai tông tốc là “làm chuyện ấy” với chị Mên bao nhiêu lần, “làm” ở những đâu, và vì sao mà “làm”. Thì ra, chuyện cái bụng bầu của chị Mên bắt đầu từ những tảng... cơm cháy.

Tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm của công nhân lao động nặng nhọc nhất hồi ấy là 21 kg gạo,1,8 kg thịt mỗi tháng, thứ nhì là loại 19 kg gạo, 1,2 kg thịt. Nhóm “lao động gián tiếp”, tức là từ kỹ sư cho đến cán bộ văn phòng... đều chỉ được mỗi người 13 kg gạo, 0,5 kg thịt mỗi tháng.

Tiêu chuẩn tưởng “đóng đinh” như vậy, nhưng không phải. Mỗi lần có lụt, bão ở những địa phương khác, hay một tỉnh nào mất mùa, công đoàn phát động phong trào “lá lành đùm lá rách” là y như nhất loạt mỗi người phải bớt 1 kg gạo để ủng hộ. 21 kg hay 19 kg bớt một kg còn đỡ, chứ 13 kg mà bớt 1 kg, thì mỗi ngày còn đúng 4 lạng gạo, mỗi bữa 2 lạng. Sáng nhịn, trưa và tối được đúng mỗi bữa bằng miệng bát cơm.

Gạo mậu dịch vừa hôi vừa ải, mục, nấu cơm không hạt nào dính hạt nào. Gọi là gạo nhưng có tháng nào được cả gạo đâu, mà phải độn một phần ngô, sắn, thường thường nhất là 30%. Và cứ mỗi lần đài, báo đăng liên tiếp việc ngô, sắn nhiều chất hơn gạo, ăn ngô ăn sắn tốt hơn ăn gạo, là y như tháng tới, lượng chất độn tăng tới 40 - 50 phần trăm.

Đói, đói lăn đói lóc. Suất cơm nhà bếp ăn rồi mà nhiều khi cứ tưởng... chưa ăn. Để dằn bụng thêm, ngoài giờ làm, công nhân lũ lượt từng toán lên rừng đào sắn “mồ côi”. Thu hoạch sắn xong, bà con quăng gốc sắn vào bụi rậm. Nhiều gốc sắn tiếp xúc với đất, đâm rễ vào đất và thành củ, gọi sắn “mồ côi” là vì thế, vì nó là sắn hoang, sắn không có chủ.

Đào được mấy của sắn “mồ côi”, không phải dễ, vì củ thường bâm rất sâu, lại thường ở giữa những bụi rậm đầy gai góc. Thế nhưng bụng đói thì đầu gối phải bò. Chiều chiều sau bữa ăn, công nhân bắc bếp luộc sắn “mồ côi” tấp nập.

Nhiều anh ma lanh giấu xoong ngay trong rừng, chiều hết giờ làm là dắt một gói muối trong túi quần, vác cái xà beng ngắn, lững thững lên đồi. Đào được ít sắn mồ côi là lôi xoong từ chỗ giấu ra suối, rửa sắn, nhặt đá làm bếp, bẻ củi luộc luôn, ních no xong lại dấu xoong, lững thững ra về...

Chỉ riêng Dương chẳng bao giờ lên rừng đào sắn “mồ côi”. Cứ cơm chiều xong là hắn lỉnh đi đâu một lúc, độ tám chín giờ tối mới về, quần áo sạch tinh, mặt mũi phởn phơ, cái phởn phơ của người no đủ. Nhiều hôm hắn còn mang về một gói, cất luôn gói vào hòm rồi nửa đêm lấy ra, rúc kín trong chăn nhí nhách nhai, không ai biết là hắn nhai gì.

Chỉ sau khi phải thừa nhận mình là tác giả cái bụng bầu của chị Mên, thì cái thứ mà Dương nhai nhí nhách hàng đêm mới được “lôi ra ánh sáng”. Đó là những tảng cơm cháy. Cơm nấu bằng chảo gang to nên rất nhiều cháy. Bình thường, cơm cháy ấy cùng với nước gạo, cọng rau... được dùng để nhà bếp nuôi lợn tăng gia.

Thương “thằng em” xinh trai, đang “tuổi ăn tuổi lớn” mà lại bị đói, nên hằng ngày chị Mên bớt một ít cháy của heo để dành cho Dương, và cứ cơm chiều xong, chị lại nháy hắn ra ven đồi, dúi vào tay hắn. Thế là Dương không bao giờ bị đói.

“No cơm ấm cật, dậm dật chân tay”, những tảng cơm cháy đã khiến hai người ngày càng gần nhau, gần mãi. Và chuyện gì đến sẽ phải đến.

Nhờ “thành khẩn” nên Dương được hưởng mức kỷ luật nhẹ hơn chị Mên, không bị đuổi việc, còn chị Mên thì phải khăn gói về quê. Hai năm sau, Dương được xoá kỷ luật và được đi học khoa cơ khí ở trường công nhân kỹ thuật Việt- Bun. Học xong, hắn được điều về Cty khác.

Bẵng đi mấy năm, một hôm Dương đến chỗ chúng tôi mời đi ăn cưới hắn. Chúng tôi hỏi:

- Mày lấy vợ ở quê hay ở công trường?

- Lấy Mên. Tao cưới Mên chúng mày ạ.

- ? ? ?

- Vì tao mà Mên bị đuổi việc. Về quê, Mên sinh một đứa con gái, cuộc sống của Mên rất vất vả. Mới rồi gặp lại, nhìn con tao nhem nhuốc, tao thương quá. Thấy tao xin cưới, Mên khóc, bảo tao cứ đi lấy vợ khác đi, Mên sẽ nuôi con, và nó vẫn là con tao, tao muốn đến thăm nó lúc nào cũng được.

Nhưng tao không thể để con tao khổ. Năn nỉ suốt 2 ngày Mên mới nghe. Chúng mày nhớ về nhá. Mên vẫn nhớ từng thằng một đấy.

Trần Ninh Thụy

1 nhận xét:

  1. Cuộc sống thời bao cấp nó thế. Vì cơm cháy mà người ta nên vợ nên chồng. Câu chuyện này làm mình nhớ đến truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Nhìn từ góc độ ngày hôm nay, ai cũng thấy buồn cười với câu chuyện ấy nhưng nếu nhìn đứng ở thời điểm ấy, sẽ chẳng ai thấy sốc với chuyện đó. Sự thay đổi tư duy kinh tế năm 86 đã đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn trong thời bao cấp. Chỉ những người đã từng sống ở cái thời ăn khoai độn, ăn bo bo mới cảm nhận được hết giá trị của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog