Chia sẻ

Tre Làng

Vụ Đào Chí Tâm ở TP Bạc Liêu: Có dấu hiệu của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Lâm Trực@

Vụ ông Đào Chí Tâm ở phường 7, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cản trở lực lượng thi hành công vụ, đồng thời khóa cửa, giữ 2 cán bộ của đoàn kiểm tra bên trong có dấu hiệu của tội bắt,  giữ hoặc giam người trái pháp luật, quy định tại điều 157 BLHS.

Vụ việc vi phạm pháp luật trắng trợn, có tính chất côn đồ xảy ra ngay trước mắt các lực lượng chức năng và đông đảo người dân chứng kiến, khiến dư luận bức xúc. Ngày 23/2, UBND phường 7, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã có báo cáo kiến nghị đến Thường trực Thành ủy, UBND TP. Bạc Liêu, Cơ quan CSĐT vào cuộc làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ, giữ người trái pháp luật của ông Đào Chí Tâm (sinh năm 1989, ngụ TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Tóm tắt vụ việc.

Vào lúc 15 giờ ngày 23/2, UBND phường 7 phối hợp cùng với Phòng Quản lý đô thị thành phố tiến hành kiểm tra công trình xây dựng của ông Đào Chí Tâm tại thửa đất số 117+118, tờ bản đồ số 53, đường Hòa Bình, Khóm 4, Phường 7, thành phố Bạc Liêu. Đoàn kiểm tra phát hiện ông Đào Chí Tâm đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép. Đồng thời chiếm dụng đất hành lang an toàn đường bộ để xây dựng nhà ở. Hành vi này của ông Tâm vi phạm quy định của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Để đối phó với cơ quan quản lý, ông Đào Chí Tâm đã cho tập kết vật tư trong công trình, đưa thợ vào bên trong để xây dựng, khoá trái của bên ngoài để ngăn không cho lực lượng chức năng vào kiểm tra, gây khó khăn trong việc xử lý.

Đến khoảng 18 giờ 55 phút cùng ngày, ông Đào Chí Tâm đến mở khoá công trình để thợ xây từ bên trong ra ngoài. Thực hiện theo nhiệm vụ được phân công của Chủ tịch UBND phường 7, các thành viên Tổ kiểm tra số 19 đã vào kiểm tra công trình của ông Tâm thì ông Tâm ngăn cản, không cho lực lượng vào công trình.

Được sự trợ giúp từ Công an phường, thành viên Tổ 19 đã vào được bên trong công trình để kiểm tra, thì bị ông Tâm sử khoá trái cửa, nhốt ông Nguyễn Trí Nhân, Đội viên Đội Quản lý đô thị thành phố và ông Nguyễn Hoàng Vương, Công chức Địa chính, Xây dựng, Đô thị & Môi trường của phường 7 (cả 2 ông đều là thành viên T 19) bên trong công trình trước sự chứng kiến của lực lượng chức năng và người dân.

Sau một khoảng thời gian khoá trái cửa bằng ổ khoá, "giam" ông Nguyễn Trí Nhân và ông Nguyễn Hoàng Vương ở bên trong, ông Đào Chí Tâm mới mở khoá trước sự bức xúc của người dân đang chứng kiến vụ việc.

Xét thấy có dấu hiệu vi phạm chống đối người thi hành công vụ, giam giữ người trái pháp luật của ông Đào Chí Tâm là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc thi hành công vụ của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, UBND phường 7 kiến nghị Thường trực Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo cơ quan Công an, điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm chống đối người thi hành công vụ, giam giữ người trái pháp luật của ông Đào Chí Tâm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, năm 2020, ông Đào Chí Tâm từng bị xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng trong lĩnh vực xây dựng và buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng tại khóm Trà Khứa, phường 8, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

***

Theo quy định của pháp luật, hành vi bắt người trái pháp luật được hiểu là hành vi của người không có thẩm quyền, khống chế người khác không theo đúng các quy định của pháp luật để tạm giữ hoặc tạm giam họ;

Hành vi giữ người trái pháp luật là hành vi của người không có thẩm quyền và thực hiện không theo đúng các quy định của pháp luật để không cho người khác di chuyển vượt ra ngoài sự kiểm soát của mình, trong một khoảng thời gian nhất định;

Hành vi giam người trái pháp luật là hành vi của người không có thẩm quyền thực hiện việc cách ly người khác trái pháp luật ở một địa điểm và trong một khoảng thời gian nhất định.

Các hành vi trên đều là hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác nhưng khác nhau ở các hình thức thể hiện. Chủ thể của tội phạm có thể thực hiện một, hai hoặc đồng thời cả ba hành vi nêu trên.

Tính trái pháp luật của 3 hành vi trên được hiểu là sự không thỏa mãn các quy định về bắt, giữ hoặc giam người theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) và Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Thủ đoạn thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có thể là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, dùng sức mạnh về vật chất như trói, nhốt vào thùng xe, nhà kho… hoặc bạo lực về tinh thần như đe dọa bắn, đánh nếu không để cho bắt… Tuy nhiên, các thủ đoạn này không có ý nghĩa đối với việc định tội danh.

Trường hợp của ông Đào Chí Tâm khóa và nhốt, tức là giam giữ 2 cán bộ của Tổ 19 đang thi hành nhiệm vụ ở bên trong công trình xây dựng không phép, nếu không phát sinh các tình tiết khác thì đã có dấu hiệu của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, được quy định tại điều 157 BLHS.

Ông Đào Chí Tâm thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam 2 người đang thi hành công vụ, do đó khung hình phạt sẽ là từ 2 năm đến 7 năm tù.


***

Điều 157 - BLHS. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog