Euronews ngày 9/8 đưa tin, Người Phát ngôn về các vấn đề đối ngoại thuộc Ủy ban châu Âu Peter Stano hôm 8/8 đã ra một tuyên bố bất ngờ, trong đó nêu rõ rằng Liên minh châu Âu (EU) không thể bảo đảm an ninh cho Ukraine.
Tuyên bố của Người Phát ngôn về các vấn đề đối ngoại thuộc Ủy ban châu Âu Peter Stano hôm 8/8 có đoạn: "EU hiện đang hỗ trợ Ukraine trong một số lĩnh vực, nhưng việc đảm bảo an ninh không phải là vấn đề của EU".
Cụ thể, ông Peter Stano nêu rõ, EU không phải là một tổ chức an ninh và đó là lý do tại sao các cuộc thảo luận về đảm bảo an ninh thuộc phận sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và của từng thành viên khối.
Tuyên bố của EU được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Ukraine gần đây bắt đầu thảo luận về việc Washington cung cấp các đảm bảo an ninh cho Kiev, trong giai đoạn chờ hoàn tất quá trình gia nhập NATO. Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, các cuộc đàm phán Mỹ - Ukraine hiện diễn ra ở cấp chuyên viên.
Về phía Ukraine, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống bày tỏ: "Việc Mỹ, đối tác chiến lược lớn nhất của chúng tôi, trở thành quốc gia đầu tiên mà Ukraine bắt đầu tiến trình này có thể coi là một động thái mang tính biểu tượng. Từ đó, chúng tôi sẽ tạo ra một mô hình thành công với các đối tác khác".
Được biết, các cuộc đàm phán về đảm bảo an ninh Mỹ - Ukraine là bước đi hiện thực hóa các cam kết do Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) đưa ra tại Thượng đỉnh NATO ở Lithuania hồi đầu tháng 7, nhằm xây dựng các đảm bảo an ninh cho Kiev.
Tại thượng đỉnh ở Vilnius, NATO đã đề nghị hỗ trợ Ukraine trong việc đối phó với xung đột kéo dài ở Ukraine, đồng thời cam kết cung cấp vũ khí lâu dài cho Kiev. Bên lề hội nghị, các thành viên G7 cũng đồng ý việc mỗi quốc gia sẽ đàm phán thỏa thuận song phương nhằm đảm bảo an ninh và giúp tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, thêm 12 quốc gia đã tham gia vào tuyên bố chung của G7 gồm: Bỉ, Đan Mạch, Ireland, Iceland, Tây Ban Nha, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Phần Lan, CH Czech và Thụy Điển.
Nguồn: Kim Ngọc
Báo Công an Nhân dân
Báo Công an Nhân dân
Sau một khoảng thời gian dài tài trợ vũ khí cho UK thì EU cũng dần phải có những động thái buông bỏ, điều đó cũng đúng, khi mà đến với UK thì EU không hề được một lợi ích nào ngoài được lòng ông anh cả mẽo, nhưng 1 năm chịu trận với UK là quá đủ với EU rồi, một quốc gia chỉ chực chờ việc trợ, đánh trận không thắng lần nào thì chẳng có lý do gì để mặn mà
Trả lờiXóa