Chia sẻ

Tre Làng

Moscow hành động nóng khi EU cho phép tịch thu ô tô của công dân Nga

Nga kêu gọi công dân không đi ô tô tới Đức và Phần Lan sau khi Brussels “bật đèn xanh” cho việc thu giữ điện thoại cá nhân và ô tô của công dân Nga mang vào các nước EU.

Moscow khuyến cáo công dân không dùng ô tô mang biển số Nga khi đến Đức và Phần Lan. Ảnh: RT

Đại sứ quán Nga tại Helsinki vừa khuyến cáo công dân nước này không dùng ô tô mang biển số Nga khi đến Phần Lan, vì lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) cho phép tịch thu phương tiện cá nhân của công dân Nga.

"Nhận thấy những rủi ro tiềm ẩn, chúng tôi khuyên công dân Nga tránh đến Phần Lan bằng ô tô mang biển số Nga" – RT dẫn thông báo của Đại sứ quán Nga tại Phần Lan đăng trên trang web vào ngày 10/9.

Khuyến cáo của Nga được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước xác nhận người Nga bị cấm mang bất kỳ phương tiện nào qua các khu vực biên giới của EU, ngay cả khi sử dụng cho mục đích cá nhân hoặc trong các chuyến du lịch ngắn ngày.

“Việc sử dụng các phương tiện cá nhân hay thương mại đều sẽ bị phạt nếu chúng thuộc danh mục hàng hóa bị cấm vận" - thông báo của EC ngày 8/9 nêu rõ.

Tuyên bố của EC cho biết lệnh cấm bao gồm “các phương tiện mang biển số Nga” và “được đăng ký tại Nga”. EC xác nhận thông tin trên sau một loạt vụ việc, trong đó cơ quan hải quan Đức tịch thu ô tô cá nhân của người Nga khi đi vào nước này ít nhất kể từ tháng 7 vừa qua.

Moscow sau đó cáo buộc Berlin “ăn cắp” tài sản cá nhân của công dân Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 12/7 tuyên bố Berlin phải “ngay lập tức” ngừng sử dụng “các biện pháp cưỡng chế” đối với các công dân Nga khi du lịch Đức và giải thích lý do tại sao tịch thu ô tô tư nhân của Nga.

Đồng thời, Đại sứ quán Nga tại Berlin đầu tuần trước cũng cảnh báo công dân tránh lái ô tô đến Đức vì nguy cơ "bị thu giữ".

Chính quyền Đức biện minh cho hành động của mình bằng cách viện dẫn các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga ngay từ năm 2014 và mở rộng sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Theo RT, vào hôm 9/9, EC thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng không chỉ ô tô mà nhiều loại hàng hóa cá nhân khác cũng phải chịu lệnh trừng phạt nếu chúng có nguồn gốc từ Nga.

Khi được hỏi liệu công dân Nga có thể tạm thời mang hàng hóa và phương tiện cá nhân vào EU hay không, kể cả khi đi du lịch, Brussels trả lời “không” và nói thêm rằng bất cứ cái gì được liệt kê trong Phụ lục XXI của quy định của EU về các lệnh trừng phạt đối với Nga đều bị cấm.

Phụ lục XXI liệt kê hơn 180 loại hàng hóa, bao gồm ô tô cá nhân, điện thoại thông minh, máy ảnh, xà phòng, thậm chí cả giấy vệ sinh đều không được mang vào các nước EU ngay cả khi quá cảnh hoặc đi du lịch.

EU lần đầu tiên đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga hồi năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Các lệnh cấm vận đã gia tăng đáng kể sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Các biện pháp trừng phạt này nhằm giảm nguồn thu từ dầu khí của Moscow, đưa các quan chức Nga và gia đình của họ vào danh sách đen, đồng thời cấm buôn bán hầu hết hàng hóa với Nga.

Vào ngày 21/6 vừa qua, EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 11 chống lại Nga, trong đó sẽ bao gồm các biện pháp chống lách các hạn chế, cũng như danh sách các biện pháp trừng phạt cá nhân mở rộng.

Về phần mình, Moscow đã nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt này là "bất hợp pháp", coi việc tịch thu tài sản của người Nga là "trộm cướp" và tuyên bố sẽ có các biện pháp trả đũa.

theo Kinh tế & Đô thị

1 nhận xét:

  1. Phương Tây chơi không đẹp lắm, hết Canada thu giữ máy bay của Nga, phía Anh gián tiếp lấy đi câu lạc bộ của tỷ phú Nga rồi bây giờ là thu giữ vô cớ phương tiện của người dân Nga di chuyển đến các quốc gia thuộc EU, những sự chiếm đoạt tài sản của Nga một cách trắng trợn như vậy không cho thấy một quốc gia văn minh

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog