Chia sẻ

Tre Làng

Trường Nhân văn lên tiếng việc mua vé, ‘ép’ sinh viên xem 'Đất rừng phương Nam'

Đại diện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM phủ nhận thông tin mua vé, "vận động" sinh viên đi xem phim "Đất rừng phương Nam".

Trên mạng xã hội lan truyền thông tin Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM mua vé phim "Đất rừng phương Nam" để "vận động" sinh viên đi xem. Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thảo Chi, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, khẳng định, trường không có kế hoạch cũng như không tổ chức mua vé phim "Đất rừng phương Nam" cho sinh viên đi xem.

Những hoạt động liên quan đến trải nghiệm văn hoá các tác phẩm mới, phim mới phải xuất phát từ nhu cầu của sinh viên, nhà trường không bắt buộc sinh viên phải thực hiện.

Theo bà Chi, thông tin này có thể xuất phát từ việc nhà trường có một câu lạc bộ về sân khấu điện ảnh thuộc Khoa văn học, do sinh viên phụ trách. Theo thông lệ và hoạt động định kỳ của câu lạc bộ, khi có một bộ phim mới ra rạp hoặc phát hành trên mạng, các thành viên trong câu lạc bộ sẽ kết nối với nhau và mời các thành viên tham gia để trải nghiệm nhằm phục vụ cho bộ môn Phê bình điện ảnh.

Việc này không chỉ diễn ra với phim "Đất rừng phương Nam" mà các tác phẩm khác cũng như vậy. Tuy nhiên khi tổ chức, câu lạc bộ sẽ phải có kế hoạch và được sự đồng ý của lãnh đạo khoa.

"Do vậy, thông tin Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM mua vé cho sinh viên xem "Đất rừng phương Nam là không đúng. Nhà trường cho rằng cảm thụ văn học hay thẩm mỹ mỗi người có một quan điểm khac nhau. Nhà trường không ép sinh viên tham gia bất kỳ hoạt động trải nghiệm nào"- bà Chi khẳng định.

Trước đó, mạng xã hội cũng xôn xao việc Trường ĐH Công nghệ TP.HCM mua 1.000 vé phim này và yêu cầu sinh viên đi xem. Nếu sinh viên nào đi xem sẽ được cộng 2 điểm rèn luyện. Sinh viên nào không đi bị trừ điểm.

Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay, việc mua 1.000 vé phim "Đất rừng phương Nam" nằm trong hoạt động học tập học phần Cảm thụ điện ảnh, khoa Truyền thông và Thiết kế.

Theo kế hoạch, ngày 20/10, khoa Truyền thông và Thiết kế sẽ tổ chức cho sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện đi xem phim này tại rạp. Đây là một hoạt động học tập giúp sinh viên có trải nghiệm thực tế về không gian rạp thông qua một bộ phim mới.

Theo ông Quốc Anh, nhà trường định hướng đào tạo mang tính ứng dụng, thường xuyên có những chương trình trải nghiệm thực tế trong chương trình học. "Cụ thể, trong tháng 9/2023, chúng tôi cũng đã cho sinh viên trải nghiệm xem phim "Past lives" hay trước đó từng xem phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” và giao lưu cùng ekip đoàn làm phim của Lý Hải. Ngoài ra, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện còn được mang sản phẩm phim là đồ án tốt nghiệp của mình ra rạp công chiếu".

Về thông tin sinh viên không đi xem phim "Đất rừng phương Nam" bị trừ điểm rèn luyện, còn sinh viên đi xem sẽ được cộng điểm, ông Quốc Anh khẳng định điều này không chính xác. Việc xem phim và trải nghiệm không gian rạp là quyền lợi của sinh viên trong chương trình học, sinh viên không phải trả tiền vé, nhà trường cũng không bắt buộc tham gia.

Liên quan đến phim "Đất rừng phương Nam" Trường THCS Đồng Khởi (Quận 1, TP.HCM) có thư ngỏ đề nghị cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm xem với kinh phí 80.000 đồng/em. Theo hiệu trưởng trường này, tổ trưởng tổ Ngữ văn cùng các tổ chuyên môn trình kế hoạch các nội dung trải nghiệm trong đó, có hoạt động xem phim "Đất rừng phương Nam".

Vì mục đích làm đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm nên bà đã đồng ý việc này. Tuy nhiên sau khi nhà trường nắm bắt tình hình dư luận phản hồi đa chiều về bộ phim nên trường đã thu hồi toàn bộ thư ngỏ. Đồng thời, Trường THCS Đồng Khởi đã dừng hoạt động trải nghiệm và cũng nhận toàn bộ trách nhiệm

4 nhận xét:

  1. việc có những hoạt động của câu lạc bộ hay của lãnh đạo trường tổ chức cho sinh viên đi xem phim, cảm thụ những bộ phim mới công chiếu cũng là một hoạt động ý nghĩa, đối với sinh viên thì các em có đủ tư duy về xã hội cũng như các lĩnh vực khác nhau của đời sống để từ đó có những bình luận, phê bình, nhận xét về tác phẩm phim đó

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. có những chương trình đào tạo mang tính ứng dụng, trải nghiệm thực tế cho sinh viên là điều tốt, đặc biệt là trong tình hình xã hội hiện đại như ngày nay, những kiến thức về thực tế, thời sự cần được sinh viên cập nhật thường xuyên hơn

      Xóa
  2. nhưng bên cạnh đó, không phải là tác phẩm phim nào mới nổi, được công chiếu cũng có thể được vận động để mời học sinh hay sinh viên đi xem, chưa kể là nội dung tác phẩm đó có đưa vào những kiến thức đúng về lịch sử hay các vấn đề khác trong xã hội hay chưa, nó còn phụ thuộc vào lứa tuổi xem nữa, tôi tin rằng vận động các học sinh THCS xem cơ bản chỉ để tăng doanh thu, chứ chưa thể nói là giúp cho mục đích học tập gì nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. đúng vậy, bộ phim này đang có rất nhiều ồn ào xung quanh việc một số trường học có kế hoạch cho học sinh đi xem phim này tại các rạp chiếu, nhưng nội dung phim thì lại đang vướng phải những lùm xùm về nội dung có phần không đúng với lịch sử nước ta thời xưa, nên việc quyết định vận động cho học sinh, sinh viên đi xem cần được xem xét kĩ càng

      Xóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog