Chia sẻ

Tre Làng

Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa eo Dardanelles và Bosphorus, NATO-Ukraine khốn đốn

Ankara phong tỏa eo biển Dardanelles và Bosphorus theo Công ước Montreux 1936, khiến tàu chiến NATO tặng cho Ukraine không thể đi vào Biển Đen.


Chính quyền Ankara đã thông báo cho các đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) của mình rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép cặp tàu quét mìn (MCMV) lớp Sandown của Anh chuyển giao cho Ukraine đi qua các eo biển nước này để vào Biển Đen tới các cảng của Ukraine.

Được biết, London đã quyết định viện trợ cho chính quyền Kiev 2 tàu quét lôi lớp Sandown mang tên HMS Ramsey (M110) và HMS Blyth (M111), được Ukraine lần lượt đổi số hiệu và đặt tên là M310 Chernigov và M311 Cherkasy.

Hai chiếc tàu này chuẩn bị được chuyển giao cho Hải quân Ukraine trong đầu năm nay.

Theo một thông cáo từ Trung tâm chống thông tin sai lệch thuộc Tổng cục Truyền thông của Chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, các tàu chiến nói trên đã bị cấm đi qua các eo biển Dardanelles và Bosphorus để vào Biển Đen.

Tuyên bố chính thức lưu ý rằng, trong thời gian gần đây một số phương tiện truyền thông đã đưa tin về việc Ankara đã cấp giấy phép cho các tàu quân sự được chỉ định, trong đó có 2 tàu này, đi qua lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ vào Biển Đen, nhưng tất cả các thông tin nêu trên là không đúng sự thật.

Tàu quét lôi HMS Blyth (M111) đã đổi tên thành M311 Cherkasy nhưng không thể vào Biển Đen

Vào mùa xuân năm 2022, Ankara đã tuyên bố “đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles đối với tàu chiến của các bên tham chiến” (chỉ cuộc xung đột Nga và Ukraine) theo Điều 19 của Công ước Eo biển Montreux 1936.

Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, hành động của mình sẽ giúp tránh leo thang căng thẳng ở vùng Biển Đen.

Vào ngày 1 tháng 3 năm 2022, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu nói rằng, Ankara đã cảnh báo tất cả “các quốc gia ven biển Đen và không không nằm trong Biển Đen” về việc phải chấp hành lệnh cấm tàu chiến đi qua hai eo biển Bosporus và Dardanelles.

Những eo biển này cùng với Biển Marmara đều nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ, chúng kết nối Biển Đen với Biển Aegean, là tuyến đường thủy duy nhất ra Địa Trung Hải.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chế tạo loạt tàu hộ tống lớp Ada (thuộc dự án MILGEM) cho Hải quân Ukraine. Đây là dự án chế tạo tàu hộ vệ mang tên lửa hạm đối hạm Harpoon của Mỹ hoặc Atmaca của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiếc tàu đầu tiên của loạt là F-211 Hetman Ivan Mazepa đã được Thổ Nhĩ Kỳ hạ thủy vào ngày 2 tháng 10 năm 2022. Vào cuối tháng 8 năm 2023, tàu hộ tống thứ hai F212 Hetman Pavlo Skoropadskyi cũng đã được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu RMK Marine ở Tuzla (Istanbul).

Khác với các tàu chiến Anh bị Ankara cấm đi qua các eo biển nước này để ra vào Biển Đen, các tàu hộ vệ được Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo cho Ukraine có thể thoải mái di chuyển từ Istanbul đến cảng Odessa của Ukraine.

Như vậy, nếu các nước NATO cố tình lách luật để cung cấp tàu chiến cho Ukraine thì họ có thể “sang nhượng” các tàu này cho Ankara để chúng có thể thoải mái ra vào Biển Đen tới các cảng Ukraine, hoặc Kiev có thể tiếp tục đặt mua tàu quét lôi của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn: Nguyễn Ngọc/GD&TĐ

3 nhận xét:

  1. Không biết bao giờ cuộc chiến này mới kết thúc nữa. Ngày nào lên mạng cũng thấy truyền thông đưa tin về việc cuộc chiến này ngày càng leo thang căng thẳng. Bản thân thằng Ukraine ngu dốt để nước mình tự dưng biến thành bãi mìn cho Nga với phương tây đánh nhau. Chỉ khổ nhân dân!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quan Nguyen23:20 3/1/24

      Hành động cấm tàu đi qua eo biển thuộc quản lý cũng giúp cho cuộc chiến bớt căng thẳng và thiệt hại cho cả hai bên, thiết nghĩ các quốc gia muốn chấm dứt cuộc chiến sớm nên có các động thái tương tự, hạn chế vũ khí đi vào chiến trường UK càng nhiều càng tốt

      Xóa
  2. Thổ Nhĩ Kỳ như con bài cuối cùng của Nga vậy, giai đoạn đầu cuộc chiến thì họ tỏ ra trung lập và vẫn luôn bỏ ngỏ con đường biển để phương tây thỏa sức đưa vũ khí vào cho Uk nhưng khi cuộc chiến đi đến căng thẳng thì nước này lại cho đóng cửa con đường biển duy nhất để đưa vũ khí đến cho UK.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog