Chia sẻ

Tre Làng

CƯỜI BUỒN VỀ Y ĐỨC

Báo Tuổi Trẻ, mấy ngày nay khá nóng về cuộc tranh luận chung quanh cái gọi là lương tâm chức nghiệp của giới thầy thuốc ở các bệnh viện công. Khen có, chê cũng kha khá. Lại có một ý kiến của đồng nghiệp HT bị ném đá tơi bời. Nó như thế này:

"Tôi là một BS làm việc ở một bệnh viện công của TP.HCM. Đọc bài “Bác sĩ công và bác sĩ tư” của bạn Hoàng Mai, tôi thấy chạnh lòng vì tôi từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp đối xử như vậy với bệnh nhân (tâm trạng của tôi lúc đó cũng rất mâu thuẫn).

Tôi biết cư xử như thế là không đúng, nhưng thực tế có bao nhiêu phần trăm BS thật sự xem công việc ở bệnh viện là quan trọng trong cuộc đời, toàn tâm toàn ý cho công việc? Dù không thể đổ lỗi cho thu nhập, nhưng thật sự chúng tôi đi làm vì cái gì, chỉ vì lương tâm thôi sao, chỉ để được xã hội công nhận là từ mẫu thôi hay sao?

Chúng tôi cũng cần phải sống, con của chúng tôi cũng cần phải ăn, phải học. Mà thử xem Nhà nước trả cho chúng tôi lương tháng được bao nhiêu? Tôi đã học sau đại học mà lương 3 triệu đồng, tiền cơm 500.000 đồng nữa là 3,5 triệu đồng. Rồi bị trừ tiền bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp, công đoàn… thì làm sao tôi có thể sống ở thành phố này?

Tôi cũng không thể trách đồng nghiệp sao nhăn nhó với bệnh nhân vì biết BS ấy đang lo lắng bố mẹ ốm mà không có đủ tiền. Tôi nghĩ cũng khỏi phải bắt chúng tôi học những lớp giao tiếp với bệnh nhân làm gì, chuyện quan trọng đầu tiên là phải trả công cho chúng tôi xứng đáng với trách nhiệm mà chúng tôi đảm đương, và đủ để chúng tôi sống đã.

Không phải lo lắng về tiền bạc quá nhiều như hiện nay thì chúng tôi có thể yên tâm lo cho chuyên môn. Còn như hiện nay thì vấn đề đó sẽ tiếp tục như thế và rất khó để giải quyết bạn ạ. Bạn cứ chờ xem".
…..

Lời phân trần này làm tôi nhớ lại một câu chuyện cách đây 20 năm, mà tôi là nhân chứng. Hôm đó, tôi đưa cháu vào cấp cứu ở một BV lớn ở TP. Cháu tôi bị tiêu chảy mất nước nặng. Dưới con mắt nhà nghề, tôi biết cháu tôi đang trụy mạch, cần được cấp cứu. Vậy mà chờ mãi, vẫn không thấy động tĩnh gì. Biết thân biết phận, biết câu rừng nào cọp ấy, tôi rón rén gõ cửa phòng trực BS. Đây rồi, một đồng nghiệp rất trẻ, đang cắm cúi trên một cuốn sách dày cộp. Chỉ vừa mới mở miệng bẩm báo về tình trạng mạch nhanh không bắt được, da tím, lạnh… của cháu, tôi nhận được một ánh mắt lạnh như băng, quét từ đầu xuống chân, qua một cặp kính trắng lấp lánh rất trí thức, và một câu nói cũng lạnh tanh: “Có biết học BS là khó lắm không?” (??????)

Không cần bình luận gì thêm về tính chất khiếm nhã và cực kỳ ngạo mạn của câu nói này, mà nên thấy, xã hội chúng ta đang sống, đã sản sinh ra một tầng lớp, tạm gọi là trí thức, không tim, thiếu một căn bản tối thiểu về giáo dục và giao tế xã hội (social etiquette). Không thể đổ lỗi cho đồng lương, cho sự thiếu thốn vật chất để gật gù thông cảm cho sự phi nhân, nhất là sự phi nhân đó xảy ra trong ngành giáo dục và y tế. Nói được một câu “xuất sắc” như đồng nghiệp trẻ năm xưa, chắc không phải vì lương thấp, vì bức xúc mà bật ra (?)

Tôi cười nhạt, khi nghe đồng nghiệp HT than vãn về thu nhập. Giấy trắng mực đen, thì BS công nào cũng nghèo. Trà dư tửu hậu, thì các BS công thường dè bĩu các BS tư là chạy theo đồng tiền, bỏ quên nghiên cứu khoa học (?). Nhưng thực tế, trừ một số BS trẻ vừa chân ướt chân ráo vào nghề, các BS công hiện tại đang giàu, rất giàu. Cứ nhìn các dãy xe hơi đời mới trong sân các BV lớn thì rõ.

Chẳng nên đổ tại tiền! Mà không lẽ vì tiền, tôi có quyền hạ thấp phẩm giá, sự cao quí của nghề nghiệp, bằng những hành vi cục súc (xin lỗi, tôi không tìm được từ nào văn hoa hơn), mà các đồng nghiệp của tôi cư xử với bệnh nhân, và cả với nhau (?) Làm thầy thuốc, không lẽ cứ ít tiền thì có quyền hỗn xược với người bệnh (?). Phải đợi đến lúc nhiều tiền mới lễ độ, vồn vã, thì có khác chi bà phở chưởi học nghề chiều khách?

Tuy nhiên, con người là sản phẩm của xã hội. Nói đi thì cũng phải nói lại, cho nó công bằng. Hệ thống y tế của chúng ta là cha đẻ của một tầng lớp học cao hiểu rộng, hợm hĩnh, kiêu căng và …dùi đục như thế.

Còn nhớ, khi mới ra trường, lọ mọ đến Sở Y tế một tỉnh nọ có việc, tôi phải bỏ dép, đi chân không vào phòng ông Giám đốc. Chẳng khác gì một chị Dậu với nón mê, váy đụp khúm núm chốn công quyền, mặc dù tôi đi bán tôi (xin việc), không phải đi bán chó, thưa các bạn! Tại sao, một BS trẻ như tôi hồi ấy, không được quyền có một việc làm đúng sở học, một cách đường hoàng, tự tin, mà phải hèn hạ đến thế?

Điều ấy, nó tổn hại cho phẩm giá!

Còn nhớ, chúng tôi, hơn 30 BS nam, phải nhường WC cho các BS nữ, nên phải vừa tiểu tiện, vừa rửa mặt trong một cái lavabo suốt 10 năm trời ở một BV lớn nhất nước. Chuyện ấy, giờ còn hay không, tôi không biết! Nhưng, nó cũng làm tổn hại phẩm giá. Nó làm con người ta, mất dần dà đi cái ý thức về lịch sự, riêng tư, nhân cách…, từ những điều nhỏ nhặt như vậy!

Còn nhớ, chúng tôi phải đi vận động, hay nói trắng là đi ép buộc, bệnh nhân chúng tôi phải mua, phải ăn những suất cơm tồi tệ, nuốt không trôi của BV. Chỉ vì ông giám đốc khả kính một thời của BV đó, có mối quan hệ rất đáng ngờ với công ty cung cấp khẩu phần bệnh viện. 

Không ăn ư, cứ cho ra viện. Vì ăn cũng là một cách điều trị! Không ăn, là chống đối chế độ điều trị, cho ra viện”.

Còn nhớ, cũng chính ông GĐ đó, ép buộc và ra chỉ tiêu chúng tôi phải kê toa một loại thuốc cực kỳ nhảm nhí, chỉ vì ông ta và gia đình vừa mới được mời đi du hí châu Âu về. Ai mời? Câu trả lời là một cái cười nụ. Mà cũng chính ông ấy, lại nói về y đức rất dõng dạc, rất tự tin, ai nghe cũng phải giật mình kính phục.

Còn nhớ, khi mới ra trường, lòng còn nhiều mộng ước, gặp ngay gã y tá chuyên tu, phó phòng tổ chức. Béo tốt, vênh váo (tuy còn rất trẻ):

ĐM, BS trẻ chúng mày ngu bỏ mẹ. Khoa ấy có đ. gì để ăn mà cứ xin vào đấy?” 

Sau đó là những chầu nhậu, những tăng 2, tăng 3…để được việc. Về nhà, nhục nhã, uất ức, nhìn con thơ đang ngủ mà phải cắn răng lại để khỏi trào nước mắt vì tủi nhục. Không chìu lòn chúng nó, bố tìm đâu ra việc để kiếm tiền mua sữa cho con. Tội nghiệp con, và tội nghiệp cả bố nữa, con trai ạ!

Một gã thất phu như thế, lại được trọng dụng, cất nhắc nắm sinh mệnh khoa học (và cả sinh mệnh chính trị) của hơn ngàn BS, bạn có tin nổi không?

... vân vân và vân vân…

Thế đấy, người thầy thuốc VN tội nghiệp, sau bao nhiêu năm tháng sống trong một hệ thống kém văn hóa, hỗn xược như thế, đã bị vùi dập, thui chột những tố chất bắt buộc phải có của người thầy thuốc: sự lễ độ, lòng thấu hiểu, phong cách thanh lịch văn minh…mà ta vẫn thường thấy trong các phim Âu Mỹ. Nó là sự thật, không phải là phim giả tưởng đâu, thưa các bạn. Nó là kết quả của một xã hội tôn trọng người đọc sách, coi thầy thuốc là tầng lớp quí tộc, ưu tú. Và huấn luyện, đòi hỏi người thầy thuốc phải xứng đáng với những phẩm chất đó. Dĩ nhiên, không chỉ bằng những lời hô hào suông, bằng các loại giấy khen thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, mà bằng nhiều cách khác. Không nói ra thì ai cũng biết những cách đó là gì!

Thiếu căn bản giáo dục cá nhân, gia đình. Thiếu một nền tảng văn hóa tối thiếu từ xã hội, cơ quan (ở đây là BV), thì dù một số không nhỏ BS dù đã rất giàu, họ vẫn không thể hành xử ‘xứng với kỳ đức’ mà nghề nghiệp và xã hội mong đợi. Chung qui, thì cũng nên nghĩ ngợi về cách chúng ta đào tạo trí thức. Và cách chúng ta đối đãi (không phải là đãi ngộ) với người trí thức! (Lại hoan hô Marx một cái cho đúng lề phải, khi ổng phán thế này: “Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”)

Chưa một lần, tôi dám hô hào y đức. Vì nó thâm sâu chẳng khác gì tôn giáo. Nhìn vào y đức, để thấy thẹn với lòng, vì không bao giờ vươn đến được cái nghĩa lý cao quí của hai từ đó. Nhớ lại y đức, để răn mình, chứ chẳng dám răn ai như các quan chức trơn lông đỏ da vẫn thường rao giảng. Y đức cao quí (nhưng không cao xa), nên xin các quan chức, thôi hô hào, thôi khuấy động các phong trào thi đua chấn hưng y đức để tự đánh bóng bản thân. Y đức nào tồn tại được, theo cái cách chúng ta đang vận hành guồng máy y tế như bây giờ? Bộ máy y tế ấy, đã phản y đức về cơ bản, khi phân loại bằng giấy trắng mực đen, các quyền lợi và hệ thống khám chữa bệnh của nó theo chức vụ, cấp bậc, mức lương. Lẽ nào, một người dân đen, không được quyền chăm sóc ngang bằng một cán bộ cao cấp?

Tôi may mắn, tự thoát ra được khỏi hệ thống ấy, cũng hơn 10 năm có lẻ. Nhưng thỉnh thoảng, nhớ lại một thời cay đắng ấy, không khỏi ngậm ngùi mà lẩy một câu Kiều: “chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa”.

Lại thêm một lý do, để tôi mong ước con trai tôi về, sau khi ăn học thành tài ở xứ người. Chẳng để trả thù ai, mà làm gì được cho dân mình bớt khổ thì làm!

Về mà thay thế, về mà chấn hưng lại cái hệ thống y tế nhàu nát mà bố phải chịu đựng ngần ấy năm để nuôi con, con ạ!


Nguồn: Dr. Nikonian
Người thích tự do và lang thang như gió

10 nhận xét:

  1. Buồn quá các bạn ah. Lâu nay ngành y tế có nhiều chuyện làm cho dan tình thấy bức xúc và buồn quá. Tránh nhiệm này thuộc về ai? Không thuộc về ai cả? Có cá nhân tỏ chức nào đứng ra nhận lỗi khi kho mà biết mình có thể tránh được nó không chứ. Thiệt thòi lại thuộc về nhân dân.

    Trả lờiXóa
  2. Khóc mất thôi bạn ơi.đọc rồi đọc lại,buồn đau cay đắng xót xa phận người.Nếu ai đã từng phải đưa người thân đi chữa bệnh.hẳn sẽ thấu hiểu nỗi đau và nỗi nhục của kẻ đi ""xin sự sống""

    Trả lờiXóa
  3. "Xã hội chúng ta đang sống, đã sản sinh ra một tầng lớp, tạm gọi là trí thức, không tim, thiếu một căn bản tối thiểu về giáo dục và giao tế xã hội (social etiquette). Không thể đổ lỗi cho đồng lương, cho sự thiếu thốn vật chất để gật gù thông cảm cho sự phi nhân, nhất là sự phi nhân đó xảy ra trong ngành giáo dục và y tế." Tôi xin đồng ý với tất cả những nhận định của tác giả về vấn đề này. Chính những đồng tiền là thứ rất cần cho con người ta trong cuộc sống, nhưng có những kẻ sinh ra trong nhung lụa và vô cảm, nhân cách thối nát khoác trên mình những chiếc áo ngành y nhưng lại luôn cho rằng mình là tất cả. Và chính họ là những kẻ đã làm vấy bẩn ngành y. Chính những kẻ này đang làm cho tính mạng bệnh nhân được đem ra để so sánh bằng tiền. Thật là buồn thay cho hiện tượng này..Nhưng biết nói sao đây khi tất cả các y bác sĩ đang sống trong một cái guồng máy mà bản chất nó đã phản ý đức. Và những người chỉ đơn thuần có chuyên môn và tâm huyết với ngành nghề thì không có tiếng nói trong điều hành cũng như tổ chức và quản lý. Còn những kẻ có chức có quyền quản lý tổ chức thì yên vị với cái ghế của mình nên chẳng màng đến công việc, chẳng màng đến những bất cập nữa nên mãi mọi thứ chỉ là một đống thổ tả và không thể tiến bộ hơn được nữa.

    Trả lờiXóa
  4. Nói thật là hai từ y đức là hai từ nghe nó có vẻ ngượng và xa xỉ trong cái thời đại này lắm. Chẳng lẽ các y bác sĩ chỉ nhận được mỗi tháng 3 triệu bạc lương và đi làm để giữ lấy hai từ y đức à. Trong khi bộ máy phản ý đức như vậy thì làm sao đòi những người khác có y đức, chỉ những thằng tai to mặt lớn đi ô tô để rồi chễm chệ quát tháo những người có tay nghề thực tế và không có chức à. Những kẻ tai to mặt lớn bụng phệ kia làm ăn trên chính thân xác của những người có chuyên môn giỏi mà cứ bắt người ta có y đức. Như vị giám đốc bệnh viện độc đoán kia, bắt cả bệnh nhân ăn những suất ăn mà không nuốt nổi chỉ vì ông ta hợp tác với một xưởng sản xuất đồ ăn thì liệu y đức ở đâu. Ông ta có thiếu tiền không mà mất đức như vậy. Đó là những thứ thuộc về bản chất của những kẻ vô lối, không có trách nhiệm với xã hội.

    Trả lờiXóa
  5. Thật là nhiều trò kiếm tiền. Ngoài việc chặt chém trên vết thương của bệnh nhân, lôi kéo bệnh nhân về quầy thuốc của gia đình,... giờ lại thêm chặt chém Báo hiểm nhà nước. Y bác sĩ bây giờ thoái hóa biến chất thật. Nhà nước, chính phủ làm gì mà không quản lý được cơ chứ. Nói ra thì bảo tiêu cực những chưa có ngành nào mà không có vẫn đề. Thử hỏi nước có giàu mạnh được không?

    Trả lờiXóa
  6. Y đức bây giờ cũng giống như một món đồ vậy. có tiền thì có được nó, không có tiền thì không thể. Không phải tất cả các người bác sỹ đều như vậy, nhưng một thực tế là chúng ta có thể gặp tiêu cực của y, bác sỹ trong bất cứ trường hợp, hoàn nào. Khi mà các chuẩn mực đạo đức của nghề nghiệp bị che lấp bởi đồng tiền thì những tiêu cực như thế này là hoàn toàn dễ hiểu. Vậy , cần có những biện pháp, chính sách gì để ngăn chặn và đầy lùi những tiêu cực trong công tác khám chữa bệnh, đó là trách nhiệm là nghĩa vụ của toàn xã hội. trong đó người dân là người giữ vai trò chủ đạo và giữ vai trò chính.

    Trả lờiXóa
  7. Không biết bắt đầu ở mốc thời gian nào nữa, cứ tạm nói rằng: Đã lâu lắm rồi những câu chuyện về tiêu cực trong nghành Y tế được người dân chuyền miệng nhau, họ nói cho nhau nghe chi tiết các bước làm thủ tục nhập viện nhanh, làm bảo hiểm nhanh, làm bảo hiểm vượt tuyến, bồi dưỡng y tá khi tiêm, bồi dưỡng Bác sĩ và kíp mổ khi phẫu thuật,….họ xem đây một lời khuyên bảo, cảnh tỉnh và hướng dẫn mỗi khi có người nhà đi bệnh viện. Có người còn bảo rằng “không cần phải lo lắng đâu, trước lúc vào phòng mổ sẽ có người đến tận giường để hướng dẫn làm “thủ tục”,…. Những mẩu chuyện vỉa hè hàng ngày vẫn truyền tai nhau.

    Trả lờiXóa
  8. Chăm sóc sức khỏe là một vấn đề đặc biệt quan trọng, ngành Y tế được Nhà nước giao trọng trách này cần phải thực sự nhìn lạ trách nhiệm của mình trong các vụ việc tiêu cực vừa qua! Tôi cho rằng bà Bộ trưởng cần đi sâu, đi sát cơ sở lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân dừng tắc trách theo kiểu trả lời ở nghị trường nữa!

    Trả lờiXóa
  9. Chán thế cuộc sống giờ nhiều khi đồng tiền luôn là cái đi trước, xem phim nhiều thì cũng thấy thế rồi, chưa kể còn ngoài đới sống, trên thời sự, trên Tv cũng có đầy đấy thôi, bác sĩ bị phá cả nhà vì vòi tiền bệnh nhân, dẫn đến sự phẫn nộ của dân chúng,... nhiều lắm rồi

    Trả lờiXóa
  10. Y đức à? có lẽ là rất hiếm trong xã hội bây giờ. Nhất là đối với các quốc gia đang nghèo và lạc hậu như Việt Nam. Không phải là quy chụp, nói tất cả các y, bác sỹ đều thế, tất nhiên vẫn có những tấm gương y đức đáng để chúng ta quan tâm, đáng để chúng ta suy ngẫm, đáng để chúng ta tôn trọng. Nhưng cũng còn đó rất nhiều những y, bác sỹ quên đi đạo đức nghề nghiệp của mình vì đồng tiền. Để xử lý một cách triệt để vấn đề này, chúng ta cần sự chung tay của toàn xã hội, cần sự vào cuộc của toàn xã hội để thay đổi tư duy một cách mạnh mẽ. Chứ không phải là nhiệm vụ của riêng ai cả.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog