Chia sẻ

Tre Làng

KHI NÀO VÀ TẠI SAO TRUNG QUỐC SỬ DỤNG VŨ LỰC TRONG TRANH CHẤP LÃNH THỔ?


Tại sao và Khi nào Trung Quốc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ là cơ sở quan trọng giúp dự đoán hành vi của nước này. Bài nghiên cứu của GS. Fravel Taylor, Viện Công nghệ MIT chỉ ra rằng: khi ưu thế thương lượng suy giảm là lúc Trung Quốc thường sử dụng vũ lực nhất.

Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng thì các quan ngại về khả năng Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ của các nước khác cũng gia tăng theo. Những quan ngại này cho thấy sự bất ổn và lo ngại luôn song hành cùng với sự dịch chuyển sức mạnh. Trong lịch sử, phát triển nhanh chóng bên trong thường thúc đẩy các nước xác định lại và mở rộng lợi ích của mình ra bên ngoài. Hơn nữa, phát triển kinh tế giúp các nước đầu tư tăng cường tiềm lực quân sự để theo đuổi lợi ích của mình, đặc biệt là các yêu sách về lãnh thổ dài hạn. Phản ánh những lo ngại này, Ủy ban Đánh giá Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung của Quốc hội Mỹ, kết luận rằng Trung Quốc có thể “lợi dụng sức mạnh quân sự tiên tiến hơn để đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc sử dụng vũ lực nhằm hỗ trợ các giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo hướng có lợi cho mình”.

Tuy nhiên, cách thức Trung Quốc sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ kể từ năm 1949 đến nay hết sức đa dạng. Trung Quốc có tổng cộng hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia khác, nhưng cho đến nay họ mới chỉ sử dụng vũ lực trong sáu trường hợp.[3] Một số tranh chấp, đặt biệt là tranh chấp với Ấn Độ và Việt Nam, rất khốc liệt; những tranh chấp khác, như tranh chấp giữa Trung Quốc và Liên Xô, từng có nguy cơ chuyển thành chiến tranh hạt nhân. Mặc dù Trung Quốc luôn sẵn sàng sử dụng vũ lực trong một số xung đột, nhưng Trung Quốc chỉ chiếm thêm rất ít lãnh thổ mà Trung Quốc không kiểm soát trước khi xảy ra xung đột. Ngoài ra, Trung quốc thỏa hiệp nhiều hơn là sử dụng vũ lực, và đã nhượng bộ tới mười bảy trong số hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ.

Nếu chiếu theo các lý thuyết chính về quan hệ quốc tế thì so với các quốc gia có đặc điểm tương tự, Trung Quốc là nước ít hiếu chiến hơn. Đối với các học giả theo thuyết chủ nghĩa hiện thực về gây chiến trước (offensive realism), Trung Quốc hiếm khi khai thác ưu thế quân sự của mình để mặc cả quyết liệt nhằm đòi các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc có yêu sách hoặc dùng vũ lực chiếm các vùng lãnh thổ này. Mặc dù sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc đã mạnh hơn rất nhiều kể từ năm 1990, nhưng Trung Quốc cũng không tỏ ra hiếu chiến hơn khi xử lý các tranh chấp lãnh thổ. Đối với các học giả nghiên cứu các tác động của chủ nghĩa dân tộc, Trung Quốc sẵn sàng nhân nhượng về lãnh thổ. Điều này cho thấy không hẳn Trung Quốc lợi dụng quá khứ lịch sử là nạn nhân của nước ngoài và bị chia cắt lãnh thổ để có thái độ cứng rắn trong các tranh chấp về lãnh thổ. Các học giả chuyên nghiên cứu về vai trò của các thiết chế chính trị Trung Quốc cho biết Trung Quốc chỉ sử dụng vũ lực trong một số tranh chấp lãnh thổ, mặc dù hệ thống chính trị của Trung Quốc là độc tài, tập quyền và ít bị kiểm soát về sử dụng vũ lực.

Phân tích về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ trong quá khứ sẽ là cơ sở giúp chúng ta đoán biết khả năng xảy ra các xung đột bạo lực ở Đông Á. Trong hệ thống quốc tế bao gồm các quốc gia có chủ quyền, hành vi của một quốc gia trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ là một yếu tố quan trọng để xác định quốc gia đó muốn duy trì nguyên trạng hay tìm cách thay đổi đường biên giới quốc gia của mình. Trong lịch sử, lãnh thổ là vấn đề dễ đẩy các quốc gia đi đến chiến tranh nhất. Hiện nay, các tranh chấp của Trung Quốc đối với Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) với Nhật đang làm tăng nguy cơ chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, vì Mỹ có quan hệ an ninh mật thiết với cả Đài Bắc và Tokyo. Mặc dù nhiều nghiên cứu chứng minh rằng Trung Quốc sử dụng vũ lực chủ yếu trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng chưa có một nghiên cứu mang tính hệ thống, phân tích kỹ lưỡng Trung Quốc thường sử dụng vũ lực trong những hoàn cảnh nào.

Các nghiên cứu hiện tại mới chỉ xác định được những tranh chấp dễ có nguy cơ dẫn đến chiến tranh nhất. Các quốc gia theo chế độ dân chủ và đồng minh của họ ít có khả năng đánh nhau để tranh giành lãnh thổ hơn các quốc gia khác. Trái lại, các quốc gia có thiên hướng dùng sử dụng vũ lực để tranh giành lãnh thổ là các quốc gia được đánh giá cao về vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế và tính biểu tượng, hoặc mạnh hơn đối phương về mặt quân sự. Nghiên cứu này đã giúp hiểu rõ hơn bản chất của tranh chấp lãnh thổ, nhưng lại không giải thích được về mặt lý thuyết quyết định sử dụng vũ lực của các quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu về lãnh thổ. Các nghiên cứu này chủ yếu làm sáng tỏ biến số có tính quyết định trong việc giải quyết tranh chấp, xác định các tranh chấp dễ có khả năng bùng nổ thành chiến tranh. Mặc dù các yếu tố như giá trị của từng vùng lãnh thổ đang tranh chấp có khác nhau, nhưng trong hầu hết các tranh chấp cụ thể thì đó lại là những nhân tố bất biến và do điều này khiến cho việc lý giải quyết định sử dụng vũ lực của các quốc gia khó khăn hơn.

Tranh chấp Đài Loan của Trung Quốc là ví dụ cụ thể về hạn chế của phương pháp tiếp cận này. Các nghiên cứu hiện tại đều dự đoán tranh chấp Đài Loan rất dễ xảy ra xung đột. Tranh chấp Đài Loan là tranh chấp lãnh thổ quan trọng nhất của Trung Quốc, vừa gắn với chủ nghĩa dân tộc hiện đại của Trung Quốc và tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vừa có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế. Kể từ sau năm 1949, Trung Quốc đã đủ mạnh về mặt quân sự để tấn công các đảo hoặc vùng lãnh thổ mà Trung Quốc kiểm soát, và trong chế độ độc tài của Trung Quốc chỉ có một số ít thiết chế có nhiệm vụ kiểm soát và cân bằng quyền lực liên quan đến việc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp Đài Loan của Trung Quốc đã thay đổi theo thời gian, bắt đầu bằng việc Trung Quốc gây ra các cuộc khủng hoảng lớn vào tháng 9 năm 1954, tháng 8 năm 1958, và tháng 7 năm 1995. Các nhân tố như tầm quan trọng của Đài Loan, các biện pháp gây sức ép, và thể chế chính trị của Trung Quốc chỉ giải thích một phần câu chuyện này, và các nhân tố này không thể lý giải được nguyên nhân tại sao Trung Quốc lại sử dụng vũ lực ở ba thời điểm nêu trên, chứ không phải là những thời điểm khác.

Để giải thích tại sao và khi nào các quốc gia sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ, tôi chuyển trọng tâm phân tích từ kết quả giải quyết tranh chấp sang quyết định của từng quốc gia. Kết hợp các hiểu biết từ lý thuyết chiến tranh phòng ngừa, tôi cho rằng sự suy giảm sức mạnh của quốc gia nêu yêu sách, tạm gọi là sự suy giảm ưu thế thương lượng của quốc gia đó trong cuộc tranh chấp, là nguyên nhân chính giải thích cho việc quốc gia đó sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Ưu thế thương lượng này bao gồm hai thành tố: phần lãnh thổ tranh chấp mà quốc gia đó chiếm hữu và khả năng sử dụng sức mạnh quân sự chống lại đối thủ trong khu vực tranh chấp. Khi nhận thấy đối phương đang tăng cường vị thế trong cuộc tranh chấp, thì nhiều khả năng quốc gia kia sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn hoặc đảo ngược sự suy giảm sức mạnh của mình, hoặc chiếm luôn lãnh thổ tranh chấp nếu họ thấy cần thiết.

Việc suy giảm ưu thế thương lượng lý giải chính xác nhất việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc đã từng sử dụng vũ lực để chống lại những địch thủ có đủ sức mạnh quân sự thách thức sự kiểm soát của Trung Quốc đối với lãnh thổ tranh chấp. Trung Quốc cũng từng sử dụng vũ lực trong các tranh chấp mà Trung Quốc chỉ chiếm rất ít hoặc không chiếm các vùng lãnh thổ mà họ có yêu sách. Khi Trung Quốc phải đương đầu với một đối thủ đang tìm cách mở rộng phần lãnh thổ tranh chấp mà nước đó chiếm giữ hoặc tìm cách thay đổi cán cân quân sự khu vực có lợi cho họ, thì Trung Quốc thường đáp trả bằng vũ lực để thể hiện quyết tâm duy trì các yêu sách của mình, hoặc cũng có lúc Trung Quốc chiếm luôn một phần lãnh thổ đó.

Các mô thức sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc có một số tác động đối với lý thuyết quan hệ quốc tế. Trước hết, việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc củng cố thêm lý thuyết chiến tranh phòng ngừa và chứng minh tính hữu dụng của lý thuyết này trong việc lý giải các xung đột lợi ích cụ thể, chẳng hạn như tranh chấp lãnh thổ. Thứ hai, hành vi của Trung Quốc thách thức các lý thuyết về dịch chuyển quyền lực trong thời kỳ quá độ, trong đó khẳng định rằng một quốc gia đang lên có nhiều khả năng sử dụng vũ lực hơn một quốc gia đang trên đà suy yếu. Tuy nhiên, trong các tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc thường sử dụng vũ lực khi sức mạnh của mình yếu đi chứ không phải mạnh lên.

Bài viết này bắt đầu bằng lập luận cho rằng sự suy giảm ưu thế thương lượng khích lệ các quốc gia sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Sau đó bài viết phân tích các biến số về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực sáu, trong tổng số hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ và nhận thấy các biến số này cho kết quả giống nhau, đó là Trung Quốc chỉ sử dụng sức mạnh quân sự trong tranh chấp lãnh thổ khi họ yếu đi. Ba phần tiếp theo của bài viết xem xét vai trò của sự suy giảm sức mạnh đối với quyết định sử dụng vũ lực trong tranh chấp Đài Loan, biên giới Trung – Ấn, và quần đảo Hoàng Sa khi Trung Quốc suy yếu đi. Bài viết kết thúc bằng cách xem xét các tác động từ những kết quả của nghiên cứu này đối với sự ổn định ở Đông Á sau khi nghiên cứu một số trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ lực, cũng như các cách giải thích khác về hành vi của Trung Quốc.

Suy giảm quyền lực và Sử dụng Vũ lực Trong Các Tranh chấp Lãnh thổ

Các nghiên cứu về tranh chấp lãnh thổ thường coi sức mạnh quân sự là một biến số quan trọng khi giải thích sự leo thang xung đột lên cấp độ bạo lực cao nhất là chiến tranh. Ở mức độ nào đó, phát hiện này không có gì mới vì một trong những mục đích của quân sự là để chiếm và bảo vệ lãnh thổ trước lực lượng đối phương. Chỉ các quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh mới có thể sử dụng vũ lực để chiếm lãnh thổ tranh chấp. Đồng thời, phát hiện này vẫn còn nhiều khúc mắc chưa lý giải được về nguyên nhân sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Mặc dù các quốc gia mạnh hơn có thể dễ dàng sử dụng vũ lực để đạt được các mục tiêu về lãnh thổ, nhưng cũng chưa rõ tại sao và khi nào họ lại làm điều đó và liệu có phải lòng tham hay mối bất an thôi thúc họ làm điều đó không.

Áp dụng kiên thức có được từ lý thuyết chiến tranh phòng ngừa, tôi cho rằng sự suy giảm sức mạnh của quốc gia nêu yêu sách, tạm gọi là sự suy giảm ưu thế thương lượng của họ trong tranh chấp, là nguyên nhân chính dẫn đến việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Chiến tranh phòng ngừa được định nghĩa là “cuộc chiến hiện tại nhằm tránh nguy cơ buộc phải tham chiến trong môi trường xấu hơn trong tương lai.” Khi sức mạnh tổng thể của một quốc gia suy giảm, các nhà lãnh đạo quốc gia đó bắt đầu lo lắng về hậu quả lâu dài khi vị thế quốc gia họ bị suy yếu trong hệ thống quốc tế, ưu thế thương lượng trong tương lai suy giảm, và khả năng là họ buộc phải tham chiến trong những tình huống xấu hơn. Như Jack Levy đã chỉ rõ, những lo ngại này tạo ra “động lực phòng ngừa” bằng cách sử dụng vũ lực, tiến hành chiến tranh sớm còn hơn là muộn đã trở thành một giải pháp ngày càng hấp dẫn nhằm giảm bớt tác động của việc quốc gia đó yếu đi hoặc chỉ để duy trì ảnh hưởng của mình. Quan trọng hơn, chiến tranh có thể xảy ra ngay cả khi không tồn tại bất cứ sự xung đột lợi ích cụ thể hoặc biến cố khai mào nào, mà có khi chỉ là sự bất an về tương lai. Trong nghiên cứu thực nghiệm, suy giảm sức mạnh khiến một bên dễ gây chiến trước thường được gọi là “lỗ hổng dễ tổn thương”.

Để lý giải việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ, tôi chuyển trọng tâm từ sự mơ hồ chung chung về vị thế tương lai của một quốc gia trong hệ thống quốc tế sang mối quan tâm cụ thể về ưu thế thương lượng của một quốc gia khi xảy ra sự xung đột lợi ích. Ưu thế thương lượng này được cấu thành bởi hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là phần lãnh thổ tranh chấp mà một quốc gia chiếm hữu được. Phần lãnh thổ tranh chấp mà quốc gia đó chiếm được càng lớn thì quốc gia đó càng có vị thế mạnh hơn, nếu tính đến cái giá mà đối phương phải trả để thay đổi hiện trạng lãnh thổ bằng vũ lực. Yếu tố thứ hai là khả năng mở rộng sức mạnh quân sự để chống lại đối phương trong các khu vực tranh chấp, gồm cả những khu vực mà quốc gia đó có yêu sách nhưng không cai trị. Ngay cả khi quốc gia đó chỉ nắm giữ một phần nhỏ của vùng lãnh thổ tranh chấp, thì họ vẫn có thể mở rộng sức mạnh ra toàn bộ khu vực tranh chấp và cả ngoài khu vực đó. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng sức mạnh liên quan đến cân bằng quân sự khu vực, chứ không phải do vị thế tổng thể của quốc gia đó trong hệ thống quốc tế. Các quốc gia có rất nhiều mục tiêu an ninh khác nhau nên mỗi thành tố quân sự được gắn với một nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như bảo vệ các yêu sách về lãnh thổ.

Fravel, M. Taylor

10 nhận xét:

  1. Trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia thường xuyên xảy ra chiến tranh, từ thời Cổ đại đến thời Hiện đại. Việt Nam cũng đã từng là thuộc địa của Trung Quốc trong 10 thế kỷ. Trong tất cả các triều đại/chính phủ của Trung Quốc từng kiểm soát lãnh thổ giáp ranh với Việt Nam (Tần, Triệu, Hán, Tấn, Lưu Tống, Nam Tề, Lương, Ngô, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Trung Hoa Dân quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), triều đại/ chính phủ nào cũng đưa quân sang Việt Nam với ý định thôn tính lãnh thổ hoặc ít nhất là kiểm soát chính quyền. Các cuộc kháng chiến chống Trung Quốc được xem là một trong những chủ đề chính, nếu không muốn nói là chủ đề lớn nhất, của lịch sử Việt Nam

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Nhìn lại lịch sử của Dân tộc Việt, ta thấy, ông cha ta luôn uyển chuyển trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng nhận định rõ Trung Quốc luôn luôn là kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc, để từ đó có thái độ dứt khoát, không bị nhầm lẫn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Đất nước. Vị vua Trần Nhân Tông đã từng nói "Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu", điều này đã được thể hiện rõ nét cho đến tận bây giờ

    Trả lờiXóa
  4. Thời điểm này xảy ra cuộc chiến biên giới phía Bắc, với tinh thần của người Việt, quân và Nhân Dân Việt Nam đã tiêu diệt 62.500 tên Trung Quốc xâm lược, trong tổng số con số mà chúng huy động là 600.000 quân xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung. Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam vào thời điểm đó là hành động kiên cường, đúng với khí phách Dân tộc Việt. Chúng ta phải giữ vững khí phác từ xa xưa ấy để đối mặt với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại

    Trả lờiXóa
  5. Các cuộc xung đột lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam đang có nguy cơ nổ ra, những cố gắng để can thiệp bởi các chiến binh "con trời" đã thực hiện. Trong trường hợp của chiến tranh biển Đông xảy ra, có lẽ việc Mỹ và Nga đoàn kết chống lại Trung Quốc bảo vệ Việt Nam sẽ xảy ra. Mặc dù việc Mỹ đã có cuộc chiến tranh với Việt Nam, nhưng dường như những việc làm của Trung Quốc đã hơi quá đà, quá đà một cách trắng trợn

    Trả lờiXóa
  6. Đảng cùng nhà nước, quân đội và nhân dân sẽ đoàn kết sức mạnh dân tộc chuẩn bị nhiều các vũ khí chế tài hiện đại ẩn náu chờ thời cơ hành động chiến lược đánh một trận bất ngờ thân tộc và bí mật để giải phóng hoàn toàn các biển đảo thuộc chủ quyền của dân tộc việt nam đồng thời cũng là để giữ gìn đất nước trong tình hình mới. Chúng ta không nên tin tưởng vào người láng giềng Trung Quốc xấu tính vì không bao giờ họ thật lòng giúp đỡ ta trong bất cứ hoàn cảnh nào

    Trả lờiXóa
  7. Tư tưởng bành trướng của Trung Quốc thì mọi thời kỳ đều bộc lộ.. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại không dễ để TQ thực hiện được ý đố của mình. Vì sử dụng sức mạnh quân sự thì TQ mất nhiều hơn là được.. quân sự chỉ là giải pháp cuối cung mà TQ lựa chọn.

    Trả lờiXóa
  8. Không hiểu sao mà trung quốc lại cứ thích làm những chuyện như vậy.Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông luôn là một bài toán khó đòi hỏi những nước trong khu vực cần phải nhanh chóng giải quyết.Việc làm trong thời gian qua của trung quốc cho thấy họ đang muốn thực hiện âm mưu bành trướng và khẳng định vị thế số 1 của mình.Việt nam có chủ quyền trên biển đông và cũng đang bị trung quốc âm mưu xâm chiếm.Điều này là không thể chấp nhận được,Việt nam yêu cầu trung quốc dừng ngay những việc làm của mình lại.

    Trả lờiXóa
  9. Dù là bất cứ lí do nào đi chăng nữa thì cũng không thể nào chấp nhận được cái hành động và những việc làm của Trung quốc trong thời gian qua ở biển đông.Có thể nói rằng trung quốc đang có những việc làm hết sức ngang ngược.Bất chấp sự lên tiếng cũng như là phản đối của dư luận quốc tế nhưng họ vẫn cứ cố tình thực hiện.Việc này cần phải được chấm dứt ngay.Nó không chỉ ảnh hưởng đến an ninh khu vực mà còn là an ninh của thế giới.

    Trả lờiXóa
  10. Chẳng cần phải biết khi nào mà cũng chẳng cần phải biết tại sao cả.Nếu trung quốc mà cứ tiếp tục có những hành động ngang ngược và sai trái như vậy thì sẽ không thể nào chấp nhận được.Những việc làm của trung quốc trong thời gian qua là đáng lên án.Họ coi thường công ước quốc tế về luật biển,Họ liên tiếp có những hành động xâm chiếm trái phép chủ quyền của các nước trên biển đông.Với sự vào cuộc quyết liệt của các nước trong khu vực và trên thế giới thì Trung quốc sẽ không bao giờ thực hiện được âm mưu của mình đâu.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog