Chia sẻ

Tre Làng

Bệnh 'sợ trách nhiệm'

Sau nhiều nỗ lực trong điều trị đột quỵ, năm 2020 Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM được Hội Đột quỵ thế giới trao chứng nhận quý giá Kim cương. Nhưng mới đây, họ để “vuột mất” chứng nhận này bởi máy chụp CT Scan… bị hỏng.

Hệ thống chụp CT bị hỏng có liên quan gì đến chứng nhận kim cương kia? Tôi hỏi người đứng đầu Bệnh viện 115 mới vỡ lẽ, để đạt được chứng nhận này, toàn bộ quy trình từ khi bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu, thăm khám, xét nghiệm, chụp CT Scan của bác sĩ điều trị, đến mời hội chẩn, dùng thuốc phải diễn ra trong tổng thời gian 45 phút. Thế nhưng, máy CT Scan ở phòng cấp cứu hỏng nhiều tháng không đấu thầu sửa chữa được, nhiều bệnh nhân đột quỵ không thể can thiệp trong 45 phút theo tiêu chuẩn "Kim cương" của Hội Đột quỵ thế giới nên đành chấp nhận bị đánh… rớt hạng.

Việc rớt hạng với các bác sĩ nơi đây có lẽ không quan trọng bằng việc họ để mất đi “thời gian vàng” cứu bệnh nhân đột quỵ. Nhưng còn cách nào khác khi cơ chế là vậy, máy CT Scan hỏng, sửa chữa lớn thì phải đấu thầu, mua sắm mấy tháng mới có. Nó không giống như bệnh viện tư nhân hư thì bỏ tiền mua có liền!

Câu chuyện vướng trong mua sắm, đấu thầu khiến bệnh viện ở nhiều tuyến thiếu trước hụt sau diễn ra hầu khắp mọi nơi. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, máy xạ trị, CT Scan mua của hãng độc quyền nên khi hư hỏng các linh kiện kèm theo máy phải mua đúng loại của hãng đó mới sử dụng được. Nhưng thầu cũng không dễ. Nếu ghi rõ mua bóng đèn của hãng cụ thể, thì bị coi là vi phạm chỉ định thầu, nên nhiều tháng nay, nơi đây cũng không thể thầu được. Vậy là bệnh nhân phải chịu thiệt thòi vì không có máy để chụp chiếu.

Còn các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long thì “có hàng mà không xài được”. Chuyện là, bệnh viện này được đầu tư trang thiết bị y tế với hàng chục chủng loại gồm máy thở, MRI, chụp X-quang, gây mê…theo khoản vay vốn ODA của chính phủ Áo có trị giá gần 12 triệu euro. Nhưng sau khi 7 container thiết bị cập cảng Cát Lái, TPHCM thì số thiết bị này không được thông quan do Bộ Y tế chưa cấp giấy chứng nhận lưu hành. Kết quả, nhiều tháng nay, máy thở thì đắp chiếu ở cảng còn bệnh nhân khoa cấp cứu phải thở…nhờ máy thở ở nơi khác.

Còn nhớ vào ngày 22/10 vừa qua, ngay sau khi được phê chuẩn bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã chia sẻ với báo chí rằng, nhiệm vụ trước mắt mà bà nhắm tới là tập trung chỉ đạo tháo gỡ, vướng mắc của việc thiếu thuốc, trang thiết bị… Đến nay, câu chuyện thiếu thuốc, những vướng mắc về trang thiết bị ở các bệnh viện vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, nhiều nơi bác sĩ vẫn ta thán, người bệnh vẫn mệt mỏi chờ đợi để được… chụp chiếu. Mọi người ví von, thiếu thuốc, trang thiết bị là căn bệnh trầm kha lâu nay. Thế nhưng, nói như giám đốc một bệnh viện, khi biết bệnh mà không điều trị, không có giải pháp nó sẽ trở thành bệnh mãn tính, nan y thì có lẽ khó thể cứu vãn.

Nhưng thực tế có một căn bệnh còn khó chữa hơn, đó là bệnh “sợ trách nhiệm”. Hôm qua, trong phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại hiện tượng này. Và, theo người đứng đầu Chính phủ nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên.

Nguồn: Ngọc Lâm
Báo Tiền phong online

13 nhận xét:

  1. Quan Nguyen12:27 7/11/22

    Cứ trảm hết người này đến người kia như thế thì ai dám làm, vì làm biết chắc chắn sẽ có sai, thà là cho cơ chế sai sót trong mức chấp nhận thì được, các lãnh đạo bệnh viện lên được vị trí đấy cũng là sự đánh đổi rất nhiều, họ sợ, họ cẩn thận cũng là có lỹ do, làm lãnh đạo thời nay bị muôn vàn áp lực chứ không như xưa đâu.

    Trả lờiXóa
  2. nếu muốn được hưởng những thứ mà không ai được hưởng, có những thứ mà không ai có thì trước hết phải chịu được những thứ mà người khác không ai chịu được, phải gánh vác những điều mà người khác họ không gánh được, một phần trong đó là trách nhiệm của công việc mà mình phải gánh vác

    Trả lờiXóa
  3. trong tất cả các lĩnh vực làm việc trên thế giới, trách nhiệm là thứ được đề cao hàng đầu khi một người có ý muốn giao công việc cho một ai đó, sự trách nhiệm sẽ làm cho người giao việc có một sự tin tưởng nhất định khiến họ cảm thấy yên tâm khi giao công việc đó cho mình, từ đó chúng ta sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến trong tương lai

    Trả lờiXóa
  4. trách nhiệm là một trong những vấn đề, trở ngại lớn trong quá trình phát triển của một người, nếu họ không có trách nhiệm thì cấp trên làm sao có đủ tin tưởng để mà giao phó công việc cho họ cơ chứ, mà không có việc thì đi làm để làm gì

    Trả lờiXóa
  5. Sau hàng loạt cựu quan chức sai phạm ở một số địa phương bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, dường như tâm lý e sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức càng thêm nặng nề. Hiện tượng tiêu cực này gây ám ảnh đối với người dân và doanh nghiệp khi tham gia các quan hệ pháp luật hành chính, dân sự.

    Trả lờiXóa
  6. Không ít cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước luôn có trạng thái sợ trách nhiệm, thậm chí không dám thực hiện những công việc đáng ra rất cần triển khai kịp thời theo yêu cầu quản lý nhà nước.Tình trạng này xuất hiện có cả nguyên nhân năng lực hạn chế của một số công chức, không tự tin để minh định đúng hay sai trong thực hiện chức trách của mình

    Trả lờiXóa
  7. tâm lý “rất e ngại, làm gì cũng sợ sai” cũng đã xuất hiện nặng nề sau những vụ khởi tố, bắt tạm giam một số nguyên lãnh đạo các thời kỳ do sai phạm nghiêm trọng trong quản lý nhà nước, gây thất thoát tài sản công.Hiện tượng cán bộ, công chức không dám chủ động, thiếu động lực sáng tạo, sợ sai, sợ trách nhiệm không còn xa lạ ở nhiều cơ quan, đơn vị và cả các doanh nghiệp.

    Trả lờiXóa
  8. Phải khẳng định rằng, cán bộ, công chức có bổn phận phục vụ xã hội và công dân, dĩ nhiên họ phải chịu những ràng buộc liên quan đến chức trách đang đảm nhiệm. Người giữ trọng trách thậm chí có thể không được hưởng một số quyền lợi mà một người công dân bình thường được hưởng và còn có thể bị truy cứu trách nhiệm không chỉ bởi hành vi vi phạm pháp luật mà còn do những thiếu sót, sai lầm hoặc chậm trễ trong việc thi hành công vụ

    Trả lờiXóa
  9. Tùy theo lĩnh vực hoạt động, cán bộ, công chức phải tuân thủ những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nhất định. Duy trì khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của cán bộ, công chức, trong đó xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như các điều kiện đảm bảo cho việc thực thi công vụ phù hợp với nền hành chính hiện đại, sẽ không thể tạo ra tình cảnh u u minh minh, không rõ đúng hay sai khi thực thi công vụ.

    Trả lờiXóa
  10. Vấn nạn cán bộ sợ trách nhiệm, trì trệ trong thực thi công vụ gây tác hại cho xã hội, cản trở sự phát triển đất nước. Thật khó chấp nhận trong bộ máy công quyền vẫn tồn tại các cán bộ là “công bộc” ăn lương của dân nhưng lại không muốn hoặc không dám làm việc vì sợ làm sai, bị xử lý kỷ luật

    Trả lờiXóa
  11. Rõ ràng, nhằm đề cao trách nhiệm “dám làm” của những người thực thi công quyền, đồng thời hạn chế những hành vi lạm quyền, lộng quyền, cần đòi hỏi công khai hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước và những người nắm giữ chức vụ, đặt các hoạt động đó dưới sự giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp của nhân dân.

    Trả lờiXóa
  12. Trong dòng chảy của lịch sử và yêu cầu của sự phát triển xã hội, không có chỗ cho tư duy bình quân chủ nghĩa hay "nhiệm kỳ giữ ghế". Có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để đảm bảo an toàn cho bản thân

    Trả lờiXóa
  13. Căn bệnh này không mới mà đang có nguy cơ lây lan một cách âm thầm, len lỏi vào trong đội ngũ cán bộ và trong không ít người. Căn bệnh này nếu không kê đúng thuốc để "điều trị" sớm, sẽ là mối nguy hại cho sự phát triển của đất nước. Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, cứ né trách nhiệm... thì làm sao xã hội phát triển, đất nước phát triển được

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog