Chia sẻ

Tre Làng

TUYÊN BỐ CHUNG VIỆT NAM - LIÊN BANG NGA

Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin, hai bên đã ra Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung:

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 9 năm 2018.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với thành phần hẹp và mở rộng với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Medvedev , Chủ tịch Đuma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin , Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Andrey Turchak ; đặt vòng hoa tại Mộ Liệt sỹ vô danh, Lăng Vladimir Ilyich Lenin và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp gỡ các cựu chiến binh, chuyên gia Nga từng làm việc tại Việt Nam, dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Hữu nghị Nga-Việt; thăm tỉnh Kaluga.

Các cuộc hội đàm, hội kiến diễn ra trong bầu không khí tin cậy, cởi mở và hữu nghị truyền thống. Lãnh đạo hai nước đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các vấn đề nhằm tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt - Nga, thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

I. Về quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga

1. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga khẳng định đường lối nhất quán là củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga, đáp ứng lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Hai Bên đánh giá cao đối thoại chính trị thường xuyên và thực chất, trong đó có cấp cao nhất, sự phối hợp tích cực theo kênh Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan chính quyền địa phương, giữa các chính đảng và tổ chức xã hội.

2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Putin nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc chuẩn bị kỹ lưỡng các hoạt động trong khuôn khổ Năm “chéo”: Năm Việt Nam ở Nga và Năm Nga ở Việt Nam vào năm 2019 - sự kiện góp phần đẩy mạnh hợp tác song phương trên các mặt.

3. Hai Bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh, đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật quân sự - lĩnh vực giữ vị trí đặc biệt trong tổng thể quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga, khẳng định quyết tâm tiếp tục củng cố, phát triển mối quan hệ trong lĩnh vực này trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trên cơ sở luật pháp quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia. Hai bên đánh giá cao vai trò điều phối của Ủy ban liên Chính phủ Việt – Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự và cơ chế Đối thoại Chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước.

4. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực triệt để nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, trước hết là khắc phục các vấn đề còn tồn tại, cải thiện cơ chế hợp tác và thực hiện hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu cùng các nước thành viên, ký ngày 29/5/2015, và các văn kiện kèm theo giữa Việt Nam và Liên bang Nga với mục đích tạo được đột phá trong hợp tác thương mại và đầu tư song phương.

5. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Putin đánh giá cao vai trò điều phối quan trọng của Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, các Tổ công tác của Ủy ban trong thúc đẩy phối hợp trên thực tiễn; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ theo hướng thiết thực, trong đó có việc phối hợp giám sát thực hiện các thỏa thuận đạt được và xác định những hướng hợp tác ưu tiên mới, có tính đến yêu cầu của nền kinh tế hai nước, chú trọng các dự án có hàm lượng công nghệ cao.

6. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của Tổ Công tác cấp cao Việt - Nga về các dự án đầu tư ưu tiên nhằm xây dựng và thực hiện các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng điện, khai thác và chế biến khoáng sản, nông nghiệp, thông tin và viễn thông, hạ tầng giao thông đô thị tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

7. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga khẳng định quyết tâm hợp tác trong việc xây dựng ở Việt Nam Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân cũng như đào tạo tại Liên bang Nga các sinh viên Việt Nam theo học các ngành liên quan đến sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình.

Hai bên thỏa thuận rằng trong trường hợp Việt Nam khởi động lại kế hoạch xây dựng ngành năng lượng nguyên tử quốc gia thì Nga sẽ được xem xét là đối tác ưu tiên trong lĩnh vực này.

8. Hai bên hoan nghênh và đánh giá cao việc triển khai các dự án chung trong lĩnh vực dầu khí; khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực này trên lãnh thổ hai nước; phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như lọc dầu và hóa dầu, xây dựng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu từ khí, cung cấp cho Việt Nam khí thiên nhiên hóa lỏng và xây dựng hạ tầng phù hợp, sản xuất nhiên liệu cho động cơ chạy bằng khí đốt. Lãnh đạo hai nước nhất trí hợp tác mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Hai bên nhất trí hỗ trợ để thực hiện các dự án khai thác khí hiện có; ủng hộ kế hoạch của Tập đoàn Gazprom tham gia xây dựng một nhà máy điện khí tại tỉnh Quảng Trị và kế hoạch của Công ty NOVATECH thực hiện dự án liên kết xây dựng cảng khí thiên nhiên hóa lỏng và nhà máy điện khí ở tỉnh Bình Thuận.

9. Hai bên nhấn mạnh triển vọng hợp tác trong ngành năng lượng điện, đặc biệt lợi thế của các công ty Nga khi tham gia vào các dự án hiện đại hóa các cơ sở năng lượng được xây dựng trước đây với sự giúp đỡ của Liên Xô và xây dựng các cơ sở năng lượng mới ở Việt Nam, trên cơ sở tuân thủ pháp luật của mỗi nước.

10. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Putin thống nhất các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất ở Việt Nam các phương tiện vận tải có động cơ.

11. Hai bên ghi nhận sự cần thiết thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, thủy lợi, phòng tránh thiên tai; nhất trí cho rằng, việc đơn giản hóa thủ tục, xóa bỏ rào cản kỹ thuật, áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn an toàn đối với thực phẩm, theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ mở ra cơ hội mới cho nông sản, thủy sản, lâm sản và dược phẩm vào thị trường Việt Nam và Liên bang Nga, cũng như sẽ góp phần nâng cao kim ngạch thương mại song phương.

12. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thiện và đa dạng hợp tác trong lĩnh vực tài chính - tín dụng, tạo điều kiện mở rộng sử dụng đồng nội tệ của hai nước trong thanh toán song phương và tham gia rộng rãi hơn của Ngân hàng liên doanh Việt - Nga nhằm phục vụ các dự án hợp tác lớn giữa hai nước.

13. Hai bên khẳng định mối quan tâm chung trong việc củng cố hợp tác trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Hai bên đánh giá cao kết quả hoạt động của Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt – Nga; nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ hoạt động của Trung tâm này, vì lợi ích của hai nước, thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các dự án hợp tác.

14. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sử dụng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình, trước hết cùng hợp tác sử dụng và phát triển hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS của Nga.

15. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự phát triển ngày càng mạnh mẽ trong hợp tác nhân văn giữa Việt Nam và Liên bang Nga, bao gồm trao đổi giữa các bộ, ngành liên quan, các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan lưu trữ, công ty du lịch, các hội hữu nghị và các tổ chức xã hội khác, hoan nghênh việc thường xuyên tổ chức Ngày văn hóa của mỗi nước, tăng số lượng khách du lịch.

16. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Putin đánh giá cao tiềm năng hợp tác trực tiếp giữa các tỉnh và thành phố của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các chủ thể của Liên bang Nga cũng như triển vọng hợp tác đầu tư ở các tỉnh Vùng Siberia và Viễn Đông của Liên bang Nga trong các lĩnh vực khác nhau, trước hết là nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và du lịch.

17. Hai bên nhấn mạnh đóng góp to lớn của cộng đồng người Việt Nam đang làm việc và học tập tại Liên bang Nga và cộng đồng người Nga đang làm việc và học tập tại Việt Nam vào việc duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hai bên khẳng định sẵn sàng tiếp tục bảo đảm trên cơ sở có đi có lại những điều kiện thuận lợi cho việc sinh sống, làm việc và học tập của công dân Việt Nam và Nga trên lãnh thổ hai nước.

Kết thúc hội đàm cấp cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V.Putin đã chứng kiến ký các văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên và các thỏa thuận giữa các tổ chức kinh tế của hai nước.

II. Các vấn đề quốc tế và khu vực

1. Việc thảo luận các vấn đề quốc tế đã cho thấy sự gần gũi hay trùng hợp trong lập trường của Việt Nam và Nga đối với phần lớn các vấn đề khu vực và toàn cầu. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga khẳng định quyết tâm nỗ lực đạt mục tiêu xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế đa cực, bình đẳng hơn, dân chủ hơn, dựa trên nguyên tắc hợp tác rộng rãi giữa các quốc gia và tổ chức, những quy định thống nhất cho tất cả các quốc gia, tính tối thượng của luật pháp quốc tế và vai trò vững chắc của Liên hợp quốc với tư cách là trung tâm điều chỉnh và phối hợp chính trị thế giới.

2. Việt Nam và Nga cho rằng an ninh quốc tế là toàn diện và không thể chia tách, xuất phát từ việc không cho phép bảo đảm an ninh của nước này bằng cách gây phương hại đến an ninh của nước khác, trong đó có việc mở rộng các liên minh quân sự - chính trị khu vực và toàn cầu.

3. Hai bên ủng hộ việc tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi hợp pháp của mọi quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, không áp dụng các biện pháp áp đặt đơn phương và cấm vận kinh tế mà vi phạm luật pháp quốc tế, bỏ qua vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

4. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng với mức độ cao trong phối hợp hành động giữa Việt Nam và Nga trong khuôn khổ Liên hợp quốc, hướng tới củng cố vai trò trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ chức này với tư cách là cơ chế toàn cầu nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Hai bên khẳng định sẵn sàng hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ chức này khi Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an giai đoạn 2020-2021; khẳng định tiếp tục ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức khu vực, quốc tế và cơ quan chấp hành của các tổ chức đó.

5. Việt Nam và Nga công nhận tầm quan trọng và sự cần thiết mang tính nguyên tắc của việc nhanh chóng soạn thảo và thông qua dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc các điều khoản, quy định hoặc nguyên tắc về ứng xử có trách nhiệm của các quốc gia trong không gian thông tin. Những điều khoản trên sẽ tạo điều kiện bảo đảm an ninh bình đẳng cho tất cả các nước, bảo đảm chủ quyền các quốc gia đối với hạ tầng thông tin – truyền thông trên lãnh thổ cũng như không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia đó.

Để phát triển Tuyên bố chung cấp cao nhất về hợp tác bảo đảm an ninh thông tin (thông qua tháng 11/2017), hai bên khẳng định ý nghĩa của việc ký kết trong tương lai Hiệp định liên Chính phủ tương ứng nhằm phối hợp hành động trong lĩnh vực này.

6. Việt Nam và Nga bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác song phương và đa phương nhằm chống lại các nguy cơ ngày càng gia tăng của việc sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông vào mục đích tội phạm và khủng bố, trong đó có mục đích phá hoại an ninh các quốc gia.

7. Hai bên khẳng định, Việt Nam và Liên bang Nga kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan xem xét lại lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai, nghi ngờ về vai trò quyết định của Liên Xô trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít và quân phiệt, mở ra con đường giải phóng cho nhiều nước thoát khỏi ách thực dân; cho rằng việc tuyên truyền tư tưởng phát xít và phân biệt chủng tộc trong thế giới hiện đại là nguy hiểm và không thể chấp nhận được.

8. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga khẳng định sự cần thiết phải phối hợp nỗ lực của toàn bộ cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, bao gồm chống lại tài trợ khủng bố, dịch chuyển xuyên biên giới của các kẻ khủng bố nước ngoài, hệ tư tưởng khủng bố và tuyên truyền cho chủ nghĩa khủng bố, trên cơ sở đề cao vai trò phối hợp trung tâm của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tôn trọng các điều khoản và nguyên tắc luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương Liên hợp quốc. Hai Bên cho rằng không thể chấp nhận việc lợi dụng vấn đề các tổ chức khủng bố và cực đoan, đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan để can thiệp vào công việc của các quốc gia có chủ quyền.

Việt Nam và Nga khẳng định mong muốn phát triển hợp tác trong đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, sản xuất và lưu thông ma túy bất hợp pháp, tham nhũng và các thách thức, nguy cơ gây mất an ninh khác.

9. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh nỗ lực của Liên bang Nga trong đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và tìm kiếm giải pháp chính trị nhằm giải quyết khủng hoảng Syria trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

10. Phía Nga bày tỏ sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong công tác huấn luyện để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

11. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ và phối hợp tại các diễn đàn đàm phán đa phương, nơi thảo luận các vấn đề an ninh quốc tế, trong đó có vấn đề kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hai bên khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết của cơ chế giải trừ quân bị của Liên hợp quốc, bao gồm Ủy ban 1 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị về giải trừ quân bị và Ủy ban Liên hợp quốc về giải trừ quân bị, để xây dựng những thỏa thuận đa phương nhằm duy trì an ninh quốc tế và bảo đảm ổn định chiến lược.

12. Hai bên bày tỏ quan ngại trước nguy cơ gia tăng vũ khí trong vũ trụ, khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang trong vũ trụ và biến khoảng không vũ trụ thành nơi đối đầu vũ trang. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện nghiêm túc cơ chế luật pháp hiện hành về việc sử dụng vũ trụ vào mục đích hòa bình; khẳng định, trong điều kiện thiếu một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý để loại bỏ nguy cơ này, việc áp dụng các biện pháp thực tế cụ thể mang tính chất đa phương nhằm giữ khoảng không vũ trụ không có vũ khí có vai trò đặc biệt quan trọng. Hai nước khẳng định tuân thủ chính sách không là bên đầu tiên triển khai vũ khí trong vũ trụ và kêu gọi tất cả các nước có tiềm năng vũ trụ cũng làm như vậy.

13. Hai bên bày tỏ ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc củng cố cơ sở pháp lý nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và sử dụng vũ khí giết người hàng loạt vào mục đích khủng bố.

14. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga ủng hộ các nỗ lực và sáng kiến nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học và về sự tàn phá của chúng, nâng cao uy tín của Tổ chức cấm vũ khí hóa học và không chính trị hóa hoạt động của Tổ chức này. Phía Việt Nam hoan nghênh việc Liên bang Nga kết thúc trước hạn quá trình tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng thế giới không có vũ khí hóa học.

15. Hai Bên khẳng định mong muốn củng cố hợp tác nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Các ưu tiên chủ yếu theo hướng này là đấu tranh chống nghèo đói, đặc biệt là cực nghèo, sử dụng hợp lý nguồn nước, bảo đảm an ninh lương thực, khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu và thiên tai, thực hiện công nghiệp hóa toàn diện và bền vững.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác kinh tế khu vực, mở rộng phối hợp trong khuôn khổ Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á và Thái Bình Dương của Liên hợp quốc trong các lĩnh vực hoạt động chủ yếu, như giao thông, năng lượng và thương mại.

16. Hai bên nhấn mạnh quyết tâm duy trì hợp tác nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các điều khoản của luật pháp quốc tế, nhất trí phát triển hợp tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người.

17. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các tranh chấp biên giới, lãnh thổ và các tranh chấp khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần được giải quyết bởi các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Việt Nam và Nga ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 và hoan nghênh nỗ lực của các bên nhằm sớm thông qua Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

18. Hai bên tuyên bố, việc duy trì hòa bình và ổn định, tăng cường lòng tin lẫn nhau là các nhân tố cốt lõi nhằm bảo đảm phát triển ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tư cách là một trong những trung tâm của trật tự thế giới đa cực mới. Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Putin khẳng định cần tiếp tục các nỗ lực chung nhằm xây dựng tại khu vực một cấu trúc an ninh bình đẳng và không chia tách, mang tính rộng mở, bao trùm và minh bạch, dựa trên việc tuân thủ luật pháp quốc tế thông qua thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn do ASEAN chủ trì như ASEAN-Nga, Diễn đàn khu vực ASEAN về an ninh (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các nước đối tác đối thoại (ADMM+)...

19. Hai bên ủng hộ việc củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương khu vực, trong khuôn khổ Diễn đàn Á - Âu, Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á, Đối thoại về hợp tác ở châu Á và các cơ chế nghị viện khu vực như Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN, Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, Đại hội đồng nghị viện châu Á, nhằm tiến tới cách tiếp cận thống nhất để giải quyết các vấn đề bảo đảm an ninh và phát triển tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

20. Việt Nam khẳng định tích cực ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Nga hướng tới xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược Nga - ASEAN theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị cấp cao Nga - ASEAN (thành phố Sochi, 19-20/5/2016), mở rộng hợp tác Nga - ASEAN trên các hướng chủ đạo, như: bảo đảm hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, thương mại và đầu tư, khoa học và công nghệ, năng lượng và nông nghiệp, hợp tác văn hóa và nhân văn.

21.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V. Putin nhấn mạnh mong muốn thiết lập quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Hai bên hoan nghênh các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác kết nối khu vực, liên khu vực, trong đó có sáng kiến của Nga nhằm hình thành Đối tác Đại Á – Âu, theo đó các chiến lược phát triển quốc gia và các dự án kinh tế đa phương được gắn kết, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, ứng phó với các thách thức chung.

22. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga ghi nhận tầm quan trọng của việc nâng cao vai trò và vị thế của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với tư cách là cơ chế đa phương hiệu quả, góp phần thiết lập trong khu vực một thị trường chung, rộng mở và không phân biệt đối xử, dựa trên các tiêu chuẩn và nguyên tắc của WTO, có tính đến tất cả các sáng kiến và dự án liên kết, trong đó có các dự án được thực hiện tại khu vực Á - Âu. Hai bên bày tỏ sự hài lòng về hợp tác hiệu quả trên các hướng ưu tiên của APEC, sẵn sàng cùng hợp tác chặt chẽ vì sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; nhất trí thúc đẩy hợp tác nhằm triển khai kết quả của cuộc gặp nguyên thủ các nền kinh tế APEC 2017.

III. Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống V.Putin đã diễn ra trong không khí hữu nghị truyền thống và hiểu biết lẫn nhau đặc trưng cho quan hệ giữa hai nước. Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tạo xung lực mới cho việc tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu mà Liên bang Nga dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và mời Tổng thống Liên bang Nga thăm chính thức Việt Nam. Tổng thống Liên bang Nga đã vui vẻ nhận lời.

ANH MINH

Theo TTXVN

1 nhận xét:

  1. Nặc danh14:08 8/9/18

    Tổng thống Putin là người hết sức đáng kính trọng!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog