Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga buộc phải tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở năng lượng của Ukraine để đáp trả các cuộc tấn công của Kiev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lý do thực hiện đòn không kích nhằm vào nhà máy điện ở vùng Kiev, Ukraine (Ảnh: Reuters)
Theo các hãng thông tấn của Nga, Tổng thống nước này đã có cuộc nói chuyện với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sau khi các cuộc tấn công diễn ra trong đêm đã phá hủy một nhà máy điện quan trọng gần thủ đô Kiev và các cơ sở điện lực ở một số khu vực khác của Ukraine.
Tổng thống Nga cho hay các cuộc tấn công này là một phần trong tiến trình “phi quân sự hoá” Ukraine. Đây là một trong những mục tiêu mà ông chỉ ra ngay tại thời điểm cuộc chiến ở Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
“Thật không may, gần đây chúng tôi đã chứng kiến một loạt đòn tấn công vào các cơ sở năng lượng của mình và buộc phải đáp trả”, ông Putin nói.
"Các cuộc tấn công vào cơ sở năng lượng (của Ukraine) phần nào có liên quan đến việc giải quyết một trong những nhiệm vụ mà chúng tôi tự đặt ra, đó là phi quân sự hóa. Trên hết, chúng tôi tin rằng bằng cách này, chúng tôi sẽ gây ảnh hưởng đến tổ hợp công nghiệp quân sự của Ukraine một cách rất trực tiếp", ông nói thêm.
Ông Putin nói Nga đã hạn chế việc thực hiện các cuộc tấn công như vậy vào mùa Đông "vì lý do nhân đạo".
“Chúng tôi không muốn để các tổ chức xã hội không có điện, ví dụ như bệnh viện và các cơ sở tương tự”, ông nói. Tuy nhiên, ông Putin cho biết các cuộc tấn công của Ukraine - chủ yếu nhằm vào các nhà máy lọc dầu ở nhiều khu vực khác nhau của Nga trong những tuần gần đây - đã khiến Moscow phải đáp trả.
Trong cuộc trò chuyện với ông Lukashenko, ông Putin một lần nữa bác bỏ luận điểm của các đồng minh phương Tây hậu thuẫn Ukraine rằng Nga có kế hoạch tấn công các quốc gia châu Âu ngoài Ukraine.
"Điều đó thật vô nghĩa. Các nhà cầm quyền, như chúng tôi thường nói, cần phải giải thích và biện minh cho việc chi tiêu của họ cho cuộc chiến ở Ukraine", ông Putin nói và một lần nữa bác bỏ việc tổ chức bất kỳ một cuộc đàm phán hoà bình nào mà không có sự tham dự của Nga. Trước đó, Thuỵ Sĩ tuyên bố sẽ tổ chức một “hội nghị thượng đỉnh toàn cầu” về Ukraine trong tháng 6, tuy nhiên Nga nói sẽ không tham gia.
Cả ông Putin và ông Lukashenko đều nhất trí rằng điểm khởi đầu cho bất cứ thoả thuận nào liên quan tới Ukraine phải là các vòng đàm phán tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng các cuộc đàm phán về hòa bình phải dựa trên kế hoạch của ông, trong đó kêu gọi Nga rút quân, khôi phục biên giới hậu Xô Viết năm 1991 của Ukraine và một cơ chế buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình.
Đòn không kích huỷ diệt nhà máy điện lớn nhất Kiev
Nga đã phá hủy nhà máy sản xuất điện lớn nhất ở vùng Kiev của Ukraine trong một cuộc tấn công tên lửa diễn ra trong hôm 11/4. Vụ việc khiến Tổng thống Zelensky cáo buộc phương Tây “nhắm mắt làm ngơ” trước nhu cầu tăng cường phòng không của đất nước ông.
Lực lượng Không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 18 tên lửa đang bay tới và 39 máy bay không người lái. Nga đã triển khai tổng cộng 82 tên lửa và máy bay không người lái, trong đó có 6 tên lửa siêu thanh Kinzhal.
Cuộc tấn công không gây ra thiệt hại về người. Theo công ty năng lượng Centrenergo, Nhà máy nhiệt điện Trypilska (TPP), nhà cung cấp điện lớn nhất cho các vùng Kiev, Cherkasy và Zhytomyr, đã bị phá hủy hoàn toàn trong vụ không kích. Công ty đã mất 100% sản lượng điện tại 3 nhà máy của mình, tất cả đều đã bị đòn không kích phá hủy hoặc chiếm đóng.
Một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy những cột khói khổng lồ bốc lên từ nhà máy điện Trypilska.
Theo tuyên bố của Centrenergo, vụ tấn công nhà máy Trypilska diễn ra sau một cuộc tấn công khác của Nga nhằm vào nhà máy điện Zmiivska TPP ở khu vực Kharkiv ngày 22/3. Quân đội Nga đã chiếm đóng nhà máy thứ ba của công ty, Vuhlehirska TPP, ở vùng Donetsk vào tháng 7/2022. Theo trang web của công ty, tổng công suất thiết kế của ba nhà máy điện là 7.690 MW.
“Tất cả các nước láng giềng châu Âu của chúng tôi và các đối tác khác đều thấy nhu cầu cấp thiết của Ukraine đối với các hệ thống phòng không”, ông Zelensky tuyên bố sau vụ không kích. “Chúng tôi cần các hệ thống phòng không và sự hỗ trợ phòng thủ khác, chứ không chỉ nhắm mắt làm ngơ và thảo luận kéo dài”.
Nguồn: Huyền Chi/Theo CNN, Reuters
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét